Tuần Văn hoá du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2024: Lan toả giá trị văn hoá truyền thống và tôn vinh sản phẩm làng nghề
05/12/2024 - Lượt xem: 12
Vào những ngày này, tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông đang sôi nổi các hoạt động trong Tuần Văn hoá, du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc. Nhiều hoạt động văn hoá truyền thống được triển khai lan toả trong Nhân dân và hoạt động thương mại được thúc đẩy, tôn vinh sản phẩm làng nghề.
Ghi nhận của phóng viên, kể từ ngày 30/11 đến nay, Tuần Văn hoá, du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024 (Tuần văn hoá) đã diễn ra được một nửa thời gian. Nhiều hoạt động văn hoá, thương mại đã được tổ chức, mang đậm dấu ấn văn hoá thăng long, của một làng nghề truyền thống nghìn năm tuổi.
Sau lễ khai mạc, cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn đã triển khai hàng loạt các hoạt động văn hoá như rước Tổ nghề Thành hoàng làng với chủ đề “Vạn Phúc kết nối di sản – di tích”. với sự tham gia của hơn 1.000 người, để ghi ơn Đức Đương Cảnh Thành Hoàng - A Lã Đê Nương - Nga Hoàng Đại Vương, người đã có công chiêu dân, lập ấp Vạn Bảo (nay là Vạn Phúc) và truyền dạy Nhân dân Vạn Phúc nghề dệt lụa.
Để thuận tiện cho Nhân dân tham quan và tìm hiểu về làng Lụa Vạn Phúc với nhiều công trình, di tích lịch sử, Phường Vạn Phúc đã tổ chức tour xe điện miễn phí, phục vụ du khách thăm quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi Bác Hồ viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, cụm di tích Đình - Chùa - Miếu - Đền thờ Tổ nghề,... và các nơi diễn ra những hoạt động của Tuần văn hóa, nhằm quảng bá giới thiệu với du khách đến với Vạn Phúc là đến với “Địa chỉ đỏ cách mạng”, đến với làng Lụa trên 1.000 năm tuổi.
Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc - Nguyễn Văn Khanh, chia sẻ: Bên cạnh Lễ rước Tổ nghề, có các hoạt động Tuần văn hoá đã diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian nhằm tôn vinh, lan toả các loại hình nghệ thuật di sản đã được công nhận. Cụ thể như: Múa rối cạn, múa rồi nước, hát Ca trù, hát Văn, hát Xẩm.
Đồng thời, phường đã phối hợp với một số làng nghề trưng bày một số không gian văn hoá của các làng nghề; viết chữ thư pháp, kết hợp trà đạo, chiếu phim tuyên tuyền về Hà Nội. Người dân rất phấn khởi, hào hứng với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian… Trong những ngày qua, Vạn Phúc đã đón hàng nghìn lượt người đến tham quan, tham gia vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ của địa phương”.
Chị Phạm Thị Lan Anh, đến từ Hòa Bình, tham quan Tuần văn hoá Vạn Phúc cùng với gia đình, chia sẻ: “Hôm nay tôi đến đây được nghe hát Ca trù, hát Văn do các nghệ nhân trình diễn, tôi thấy rất ấn tượng. Trong không gian văn hoá, của làng cổ, được trang trí rất đẹp và được nghe những lời ca, điệu múa của các bà, các chị, tôi thấy nghệ thuật dân gian đã đi vào đời sống của người dân. Các giá trị văn hoá phi vật thể của nhân loại khi được tổ chức tại những nơi đông người như thế này sẽ được lan toả sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và du khách”.
Bà Nguyễn Thị Lan là một nghệ nhân làng nghề, tích cực hoạt động sáng tạo các sản phẩm lụa Vạn Phúc mới đem đến công chúng trong dịp này. Bà cho biết: “Là người con của Vạn Phúc, nên tôi luôn có tâm nguyện rằng làm thế nào để sáng tạo ra các sản phẩm lụa đẹp để phục vụ Nhân dân, du khách.
Trong Tuần văn hoá này, ngoài việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, chúng tôi cũng tham gia vào hoạt động vinh danh nghề lụa thông qua rước Tổ nghề, xây dựng Trung tâm Thiết kế Sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm dệt lụa Vạn Phúc cho phường Vạn Phúc. Đây là cơ hội để lụa Vạn Phúc kết nối với các làng nghề, đối tác, bạn hàng, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”.
“Tôi đến từ làng nghề Ngũ Xã, giới thiệu đến với Hội chợ Thương mại làng nghề Vạn Phúc trong Tuần Văn hoá những sản phẩm đúc đồng. Chúng tôi kỳ vọng quảng bá sản phẩm đồ đồng truyền thống Ngũ Xã, giao lưu, tìm kiếm khách hàng. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn giữ và phát triển nghề đúc đồng lâu đời của đất kinh kỳ Thăng Long này” - đó là chia sẻ của ông Phạm Văn Hiệp, Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội.
Ông Phùng Văn Quân, ở làng nghề thuốc nam truyền thống Yên Sơn, Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đại diện cho làng nghề mang đến Hội chợ Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2024 có nhiều loại sản phẩm trầm hương, thảo dược quý của làng nghề thuốc nam truyền thống Yên Sơn. Nhiều bà con ở làng lụa Vạn Phúc, du khách đã tham gia mua sắm sản phẩm của chúng tôi. Qua Hội chợ chúng tôi mong muốn tìm được nhiều khách hàng, nhất lá các khách hàng có tiềm năng".
Tuần Văn hoá năm 2024, phường Vạn Phúc đã phối hợp với một số làng nghề trên địa bàn và một đơn vị tổ chức sự kiện tổ chức Hội chợ Thương mại nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 120 năm giải phóng Hà Đông (6/12/1904-6/12/2024). Các làng nghề có tên tuổi lâu đời đã tham gia cùng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ như làng nghề Nón Chuông, mây tre đan Phú Vinh, đúc đồng Ngũ Xã, áo dài Trạch Xá, đồ gỗ mỹ nghệ, cây cảnh …
Các làng nghề đến đây không chỉ quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà còn giao lưu, học hỏi lẫn nhau về cách thức tổ chức sản xuất, bán hàng. Đặc biệt, năm nay các gian hàng đều ứng dụng công nghệ vào quảng bá giới thiệu sản phẩm thông qua việc quét mã QR code và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quét mã QR code, quẹt thẻ ATM, thẻ Visa phục vụ khách quốc tế và các ví điện tử.
Hội chợ Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm nay thu hút khoảng 120 gian hàng đến từ các làng nghề, ngành nghề trên địa bàn Thủ đô và một số tỉnh lân cận. Cùng với đó, các phố Lụa, phố chợ đồ cổ - đồ xưa, khu chợ cây sinh vật cảnh và ẩm thực vẫn mở cửa đón khách từ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày.
Tổng hợp: Anh Cương (Nguồn: Theo Báo KT&ĐT)
Các tin tức khác