Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030: Chuyển đổi xanh, tăng thu nhập cho người dân
22/02/2025 - Lượt xem: 12
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo việc làm và nâng cao thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quyết liệt bảo vệ và cải thiện môi trường…
Ngày 20/2/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030”.

Hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2026-2030”
Giai đoạn 2021-2025: Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Tại hội thảo, ông Ngô Trường Sơn- Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được triển khai với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện sức sống và diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Tính đến tháng 1/2025, cả nước đã có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9,8% so với cuối năm 2021. Trong đó, có 2.275 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng caovà 550 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 305/645 đơn vị cấp huyện (đạt 47,2%) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 92 đơn vị so với cuối năm 2021. Đến nay, có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt khoảng 56,4 triệu đồng/người/năm (tăng 1,35 lần so với năm 2020). Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,3%; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 58% (tăng 7% so với cuối năm 2020)
Tuy nhiên, theo ông Sơn, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục giải quyết đó là chênh lệch phát triển giữa các vùng miền. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn chưa đạt chuẩn, điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn. Chất lượng đạt chuẩn chưa thực sự bền vững.
Cụ thể một số địa phương gặp khó khăn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí sau khi đạt chuẩn. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được đột phá trong nâng cao năng suất và gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, vấn đề môi trường, xử lý rác thải và nước thải nông thôn vẫn chưa được giải quyết triệt để…
Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020”; tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, cấp thiết ở địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Cần đo lường sự phát triển nông thôn bằng chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân
Bên cạnh đó, tập trung triển khai các chương trình chuyên đề (chương trình Mỗi xã một sản phẩm; chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới...) nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn mới thực chất, đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nông thôn hiện đại, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Đóng góp ý kiến xây dựng chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 – 2030, ông Cao Đức Phát- Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nông thôn hiện nay đã phát triển rất xa so với cách đây 15 năm. Do vậy, nên chuyển sang thiết kế một Chương trình quốc gia với tên gọi khác là: “Chương trình xây dựng nông thôn hiện đại”.
Theo đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đủ sức tạo việc làm và nâng cao nhanh thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, ngang bằng với thu nhập ở khu vực đô thị. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Quyết liệt bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu. Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống hiện đại gắn với đô thị hóa. Mục tiêu quan trong là phải đủ sức tạo việc làm và nâng cao năng thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, ngang bằng với thu nhập ở khu vực đô thị”- ông Phát đề xuất.
Theo ông Lê Minh Hoan- Phó Chủ tịch Quốc hội, chúng ta không thể đo lường sự phát triển của nông thôn chỉ bằng những con số hay danh hiệu, mà quan trọng hơn là bằng chất lượng cuộc sống và sự hạnh phúc của người dân.
“Cần có các chương trình đào tạo, huấn luyện, huy động lực lượng chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân về nông thôn để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, tạo ra những nghề mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương, gắn với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông sản, mà còn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, nghề truyền thống”- ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Lê Kim Liên
Tổng hợp: Nguyễn Kiên (Nguồn: https://vietq.vn/)
Các tin tức khác