Sơn La: Xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương
30/09/2024 - Lượt xem: 34
Phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, Thành phố chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chương trình mỗi xã một sản phẩm để nâng cao chất lượng, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi... góp phần tăng giá trị, thu nhập cho người sản xuất.
Hằng năm, Thành phố rà soát, đăng ký và xây dựng kế hoạch lộ trình triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tư vấn nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được tăng cường kết nối, mở ra cơ hội cho các sản phẩm địa phương phát triển.
Từ năm 2021 đến nay, Thành phố tổ chức 35 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP và hướng dẫn phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ 5 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP và xây dựng hệ thống nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ 3 HTX đổi mới bao bì; hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử...
Năm 2023, sản phẩm thịt trâu gác bếp Hoa Xuân của hộ kinh doanh Tòng Thị Hoa, bản Lầu, phường Chiềng Lề được nâng hạng từ sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao. Chị Tòng Ngọc Hoa, chủ hộ kinh doanh, chia sẻ: Để thăng hạng thành công cho sản phẩm thịt trâu khô đặc sản, gia đình tôi không ngừng hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, gia đình đã đổi mới bao bì, hoàn thiện quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, thịt trâu gác bếp Hoa Xuân đã khẳng định chất lượng, có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước thông qua hệ thống đại lý và các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm. Đến nay, Thành phố có 10 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao; 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao; 1 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao.
Năm 2024, Thành phố phát triển thêm 4 sản phẩm OCOP mới, gồm: Chẳm chéo của Công ty cổ phần ABC Tây Bắc; quýt của HTX Bôm Sen, xã Chiềng Cọ; bưởi của Chiềng Xôm; dao của xã Chiềng Ngần. Để đạt mục tiêu, Thành phố đang khảo sát, đánh giá tiềm năng, hoạt động tài chính và nguồn gốc sản phẩm của các chủ thể tham gia chương trình. Đồng thời, hướng dẫn các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX và doanh nghiệp quy trình đóng gói bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và các thủ tục cần thiết để được công nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Chẳm chéo” là một trong những gia vị đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Sơn La. Với mong muốn lưu giữ và giới thiệu ẩm thực độc đáo này, anh Hồ Văn Tâm, bản Ka Láp, xã Chiềng Ngần, sản xuất, phát triển thành sản phẩm bán ra thị trường từ năm 2022. Ban đầu, việc sản xuất thủ công và chưa có thương hiệu, gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Do đó, quá trình phát triển sản phẩm, anh vừa xây dựng thương hiệu, quảng bá và lắng nghe ý kiến phản hồi từ khách hàng để điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Anh Hồ Văn Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần ABC Tây Bắc, bản Ka Láp, xã Chiềng Ngần, cho biết: Sau 3 năm, sản phẩm “Chẳm chéo” của Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người biết đến, tin dùng, tiêu thụ khoảng 15.000 - 20.000 lọ chẳm chéo/tháng. Công ty đang tích cực xây dựng thương hiệu và hướng tới đạt chứng nhận OCOP, nhằm nâng cao uy tín, chất lượng, giúp sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Chương trình OCOP không chỉ đóng vai trò nâng cao chất lượng sản phẩm, còn là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Thành phố sẽ tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng và thế mạnh, nhất là các sản phẩm nông sản, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Báo Sơn La)
Các tin tức khác