Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới và OCOP
10/01/2025 - Lượt xem: 6
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tiến Nghi báo cáo kết quả đạt được trong năm 2024
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hà Tiến Nghi năm 2024, với sự đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, sự cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống, chính trị từ thành phố đến cơ sở và các doanh nghiệp, hoạt động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP thành phố đã có sự đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện, tiếp tục gặt hái nhiều thành công, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với tiến trình phát triển thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân Thủ đô Hà Nội.
Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị toàn thành phố đã đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân khu vực nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào rộng lớn và thu được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, thành phố có 18/18 (100%) huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 3 huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Còn lại 2 huyện Đông Anh, Thanh Oai phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào quý I.2025. Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu của Chương trình số 04 đến hết năm 2025). Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục thẩm định thêm 44 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 29 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để quyết định công nhận trong năm 2024. Năm 2024 Chương trình xây dựng nông thôn mới được bình chọn nằm trong "10 sự kiện tiêu biểu của Thủ Đô Hà Nội".
Các đại biểu dự hội nghị
Bên cạnh đó TP. Hà Nội đi đầu cả nước về việc triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, cụ thể: lũy kế từ 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao đạt 113% đạt vượt mục tiêu Chương trình đề ra trước 1 năm. Riêng năm 2024, toàn Thành phố đã đánh giá phân hạng 606 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 98 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 498 sản phẩm 3 sao, vượt 151% so với kế hoạch năm 2024 là 400 sản phẩm.
Với lĩnh vực phát triển nông thôn, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Đến nay, Thành phố công nhận được 337 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 26 quận, huyện, thị. Năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn được Sở NN và PTNT giao tham mưu xây dựng đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình UBND Thành phố phê duyệt. Hiện Sở NN và PTNT đã trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Kỳ vọng sau khi Đề án được phê duyệt và triển khai, sẽ giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong bảo tồn, phát triển làng nghề hiện nay.
Năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu cho Sở NN và PTNT và Thành phố triển khai phối hợp, trình Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận 02 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề Tơ lụa Vạn Phúc của TP. Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công thế giới phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới.
Toàn cảnh hội nghị
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội luôn khuyến khích và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp hợp tác xã, đến nay trên địa bàn Thành phố có 172 chuỗi đang hoạt động tốt.
Năm 2025, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tin tưởng rằng với sự cố gắng nỗ lực của đơn vị, sự quan tâm chỉ đạo của Sở NN và PTNT, sự quan tâm phối hợp của các ngành, UBND, Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thì vẫn tiếp tục hoàn thành sứ mệnh xây dựng nông thôn mới, phát triển nông thôn góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hội nhập quốc tế và xứng đáng với vị trí là Thủ đô của cả nước.
Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: https://daibieunhandan.vn/)
Các tin tức khác