Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8313
Tổng lượt truy cập: 17,659,838

Sản phẩm làng nghề gỗ Vân Hà “cất cánh” nhờ tham gia Chương trình OCOP

10/12/2024 - Lượt xem: 6

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, các làng nghề ở Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng khó lẫn, không nơi nào sánh được. Trong đó phải kể đến làng nghề gỗ Thiết Úng – được coi là cái nôi của nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ và tạc tượng thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhiều sản phẩm điêu khắc gỗ mỹ nghệ nơi đây đã được công nhận đạt 3,4 sao của chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương này.
Xã Vân Hà nổi tiếng với nghề làm gỗ và việc tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo cơ hội cho sản phẩm làng nghề gỗ Vân Hà được “cất cánh”.

Hiện tại, sản phẩm đồ gỗ Vân Hà đa dạng về chủng loại, từ nội thất đến các bức tượng, tranh phù điêu... Các mặt hàng được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Sản phẩm gỗ ở Vân Hà có nét tinh xảo riêng, toát lên vẻ “hồn cốt” trong mỗi bức tượng. Hiện sản phẩm của làng nghề Vân Hà được quảng bá và xuất sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ngày một nhiều hơn.
Toàn xã Vân Hà hiện có 5 thôn với gần 2.600 hộ dân, trong đó 80% hộ dân làm nghề thủ công mỹ nghệ. Giá trị sản xuất hàng năm về đồ thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 70% trong tổng thu nhập của toàn xã. Đặc biệt, xã có 14 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội công nhận; 48 thành viên là đại diện các hộ sản xuất và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn… Tham gia chương trình OCOP, Vân Hà có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao.

Ông Đỗ Văn Cường là người chuyên làm đồ gỗ ở xã Vân Hà chia sẻ, năm 2020, gia đình ông có một số sản phẩm gỗ điêu khắc: Lợn phú quý, gỗ điêu khắc đài nến hoa sen, quả mít, tê giác một sừng… được công nhận OCOP 3 sao. Một số sản phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Ngoài gia đình ông Cường, gia đình bà Đào Thị Thanh Vân cũng có 25 năm kế thừa và phát triển nghề sản xuất đồ gỗ. Một số sản phẩm của cơ sở này, như khay gỗ trái đào, tượng gỗ Phật bà quan âm, tượng gỗ lưng trâu thổi sáo, tranh điêu khắc gỗ ngũ phúc tứ quý, tượng gỗ gia đình gà, đấu vật… đạt OCOP 4 sao.

Cùng với phát triển sản phẩm làng nghề, làng gỗ Vân Hà còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Mỗi người thợ Vân Hà đều có thể tạo ra bất kỳ sản phẩm nào theo mẫu phác họa hoặc qua sự miêu tả đặc điểm của khách hàng. Nhiều sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm được các nghệ nhân làng Vân Hà sáng tạo để phục vụ nhu cầu của du khách. Đặc biệt, sản phẩm quà tặng bằng gỗ được khắc chữ, tên, logo hay hình ảnh bằng máy khắc hiện đại đang được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Du khách đến làng gỗ Vân Hà có thể tham quan quá trình sản xuất, nghe về truyền thống làng nghề, hiểu được những giá trị trong từng sản phẩm gỗ Vân Hà.
Điểm nổi bật khác, đó là 100% sản phẩm OCOP của làng gỗ Vân Hà được được ứng dụng mã QR và Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các địa chỉ://da.check.net.vn, www.hn.check.vn và www.check.gov.vn. Thông qua mã QR, người tiêu dùng hoàn toàn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó định vị thương hiệu cho sản phẩm làng nghề Vân Hà.

 

Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Sản phẩm làng nghề gỗ Vân Hà “cất cánh” nhờ tham gia Chương trình OCOP
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8313
Tổng lượt truy cập: 17,659,838