Làng Chuông nổi tiếng với nghề làm nón. Trải qua hàng nghìn năm, nét đẹp làng nghề Nón Chuông vẫn được gìn giữ và phát huy. Những năm qua, làng Chuông trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Làng Chuông nổi tiếng với nghề làm nón, là điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
.JPG)
Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu sản phẩm nón làng Chuông tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai.
Làng Chuông là làng cổ nằm bên bờ sông Đáy thơ mộng thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nghề làm nón của làng Chuông có từ lâu đời. Trước đây, nghề nón là sinh kế của đại bộ phân người dân làng Chuông. Nón làng chuông có nhiều loại như xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng.
.JPG)
Nghề làm nón mang lại thu nhập cho nhiều người già tại địa phương.
Để làm ra chiếc nón lá phải trải qua nhiều công đoạn: Đầu tiên là chọn lá. Lá lụi được đem về vò trong cát rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc. Sau đó lá được lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không rách. Vòng nón làm bằng cật tre, nứa vót nhỏ và đều khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Nón làng Chuông có 16 lớp vòng giúp nón có độ bền chắc nhưng vẫn mềm mại. Tiếp theo, người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá.
.JPG)
.JPG)
Nón làng Chuông có độ bền, đẹp, tinh xảo được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nét tài hoa của người thợ đan nón làng Chuông ở chỗ, các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu… Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm sinh để cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc.
Nghệ nhân Lê Văn Tuy cho biết: Nón lá với áo dài là biểu trưng cho nét đẹp người phụ nữ Việt Nam. Trong quá trình sản xuất chúng tôi luôn chú trọng cải tiến mẫu mã, càng ngày càng thiết kế ra nhiều mẫu nón đẹp hơn. Ví dụ như nón nhà sư của tôi đã được giải của Bộ Nông nghiệp & Môi trường (NN&MT) và thành phố Hà Nội. Nón nhà sư giúp tôn lên vẻ đẹp thiền. Để thiết kế ra chiếc nón nhà sư tôi phải trăn trở mất 2 tháng trời. Hiện nay, mỗi chiếc nón có giá thành khoảng 1 triệu đồng/ 1 cái.
.JPG)
Nón làng Chuông tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam
Tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, tôi có 05 sản phẩm đạt OCOP 4 sao: Nón chum; Nón cô dâu; Nón lá truyền thống; Nón hai mặt vải Nón mặt vải ngoài. Chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước như Lào, Campuchia.
.JPG)
Nghê nhân Lê Văn Tuy giới thiệu nón nhà sư, một sản phẩm tôn vẻ đẹp thiền.
Nói về đời sống người làm nón, Nghệ nhân Lê Văn Tuy phấn khởi chia sẻ: Nghề làm nón so với các nghề khác hiện nay thì thu nhập có phần thấp hơn, nhưng so với trước kia, bây giờ làm nón sướng hơn nhiều. Trước đây, bán vài cái nón mới mua được cân gạo, nhưng nay bán một cái nón có thể mua được vài cân gạo, thậm chí vài yến gạo.

Thời gian qua, nghề làm nón làng Chuông thường xuyên được các cấp ngành quan tâm nhất là Bộ NN&MT, thành phố Hà Nội, huyện Thanh Oai cũng như xã Phương Trung. Trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng, tiếp tục được các cấp ngành quan tâm để làng Chuông có thêm cơ hội phát triển.
.JPG)
Nghệ nhân Tạ Thu Hương - Làng nghề nón Chuông
Nghệ nhân Tạ Thu Hương chia sẻ: Năm 2019, tôi có 6 sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2024, tham gia đánh giá lại, tôi dự thi 06 sản phẩm và được công nhận OCOP 4 sao: Nón lá trắng kỹ đẹp; Nón lá già ghép sống kỹ đẹp; Nón quai thao; Nón bộ treo trang trí deco (một bộ 10 nón, dùng để trang trí nhà hàng, khách sạn); Nón lá Bồ đề (làm từ lá cây Bồ đề); Nón bộ. Đây là những sản phẩm tinh sảo, chất chứa tinh hoa làng nghề nón Chuông.
.JPG)
.JPG)
Người làm nghề và không gian trưng bày của nghệ nhân Tạ Thu Hương
Tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã nâng tầm giá trị sản phẩm nó Thu Hương nói riêng, nón Chuông nói chung, từ đó, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tham gia vào các chuỗi bán hàng ở trong và ngoài Thủ đô.
Muốn làng nghề phát triển phải đi vào thị hiếu của khách hàng. Cho nên, trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn chú trọng giới thiệu sản phẩm nón Chuông với bạn bè trong nước và quốc tế, để họ biết đến cái hay, cái đẹp của nón Chuông, của sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
.JPG)

Nón Chuông ngày càng đa dạng sản phẩm, bao gồm sản phẩm dùng để đội đầu và trang trí
Cuối năm 2024, làng Chuông được Thành phố quan tâm, công nhận, bố trí xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề nón Chuông. Việc này, giúp cho hoạt động sản xuất làng nghề nón Chuông đi vào tập trung, chuyên nghiệp hơn. Đây cũng là điểm để chúng tôi trưng bày những sản phẩm, mãu mã, thu hút, giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước. Cũng từ đây mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nghề làm nón làng Chuông.
.JPG)
Ông Phạm Việt Hùng - Chủ tịch UBND xã Phương Trung, huyện Thanh Oai
Trao đổi với ông Phạm Việt Hùng – Chủ tịch UBND xã Phương Trung được biết: Phương Trung có điểm đặc thù là một làng trong một xã, chung nhau nền văn hóa làng Chuông. Nghề làm nón của làng Chuông có từ lâu đời. Theo những tài liệu để lại, từ khi vua Phùng Hưng về đánh trận, nón làng Chuông đã có rồi. Trước đây, làm nón là nghề chính và là thu nhập chính của người dân địa phương. Từ khi hội nhập, nhiều nghề khác du nhập về làng Chuông nên nghề làm nón có phần mai một, do thu nhập không cao bằng các ngành nghề khác.
Tuy nhiên, nghề làm nón có một vai trò rất quan trọng với người làng Chuông vì nó giữ gìn bản sắc văn hóa, là niềm tự hào của người làng Chuông. Bên cạnh đó, nghề nón tạo công ăn việc làm cho lao động dôi dư, người cao tuổi, giúp họ có thu nhập, giảm đi gánh nặng kinh tế cho các hộ gia đình.
.JPG)
Thành phố Hà Nội và các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất làng nghề nón Chuông phát triển. Trong đó, Chương trình OCOP đã góp phần chắp cánh cho sản phẩm nón Chuông vươn tầm trong nước và quốc tế
Thời gian qua, để duy trì và phát triển nghề nón, chính quyền đã thường xuyên quan tâm, động viên các nghệ nhân tích cực sản xuất, đổi mới thiết kế, đa dạng mẫu mã. Trong năm 2024, xã Phương Trung đã cải tạo chợ, không gian đình, lập 02 gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, giao cho 02 nghệ nhân Tạ Thu Hương và Lê Văn Tuy quản lý, làm điểm giới thiệu sản phẩm với du khách. Từ đó tạo động lực cho người dân giữ nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch. Thực tế từ đầu năm đến nay, đã rất nhiều học sinh của các trường trong nội thành Hà Nội, các du khách quốc tế đã đến thăm quan và trải nghiệm làng nghề.
Cuối năm 2024, chúng tôi đã tham mưu cho Huyện ủy Thanh Oai đưa Chương trình phát triển du lịch làng nghề xã Phương Trung vào Nghị quyết nhằm mục tiêu xây dựng và mở rộng khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tạo ra điểm nhấn trong hoạt động phát triển du lịch gắn với làng nghề. Hiện nay, Thành phố và cả nước đang thực hiện chủ trương sáp nhập các xã. Sau khi sáp nhập, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo xã mới để tiếp tục thực hiện chủ chương này.