Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5525
Tổng lượt truy cập: 2,595,669

Ngoại thành Hà Nội đổi thay nhờ ''cú hích'' nông thôn mới

31/10/2022 - Lượt xem: 332

Hơn 14 năm sau ngày Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội (tháng 8-2008), đặc biệt là sau 13 năm kể từ ngày Hà Nội bắt đầu triển khai làm điểm xây dựng nông thôn mới (năm 2009), khu vực ngoại thành đã có rất nhiều đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới ở cấp độ cao hơn - nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Những mô hình thôn thông minh, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường... hứa hẹn đưa khu vực nông thôn phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn.
 
Xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) là một trong 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sáp nhập về Hà Nội năm 2008, đã đạt chuẩn nông thôn mới từ nhiều năm nay. Theo Chủ tịch UBND xã Yên Trung - Đinh Công Long, thời gian mới chuyển từ tỉnh Hòa Bình về Hà Nội, thôn Hương của xã vẫn chưa có điện lưới, mạng lưới giao thông các ngõ xóm chủ yếu là đường đất; điện, đường, trường, trạm đều thiếu, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Những đổi thay đến với Yên Trung nhìn thấy rõ rệt ngay sau ngày về Hà Nội: Điện được kéo về thôn Hương. Rồi cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới, tính đến nay xã đã huy động được hơn 200 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng nông thôn. Năm 2018, Yên Trung đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới với hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cũng như Yên Trung, các xã của huyện Ba Vì cũng đã có rất nhiều đổi thay cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, huyện Ba Vì hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại 30/30 xã và 1 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, với 7 xã thuộc khu vực dân tộc miền núi được biết đến với cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao thì đến nay đều đã khoác lên mình “tấm áo mới”. Ở các xã này, người dân khai thác lợi thế, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao như: Trồng chè ở xã Ba Trại, trồng bưởi Diễn ở xã Yên Bài, nghề trồng và chế biến thuốc Nam ở xã Ba Vì, nuôi đà điểu ở xã Vân Hòa... Có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, người dân nhiều xã còn phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng với hơn 70 điểm homestay và 15 doanh nghiệp làm du lịch.
Mê Linh cũng là huyện từ tỉnh Vĩnh Phúc về với Thủ đô theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã bố trí hơn 4.011 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Theo đó, giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Huyện Mê Linh là một điểm sáng về phát triển sản xuất nông nghiệp, đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn như vùng chuyên canh rau (xã Tráng Việt, Tiền Phong, Văn Khê...), vùng chuyên canh hoa (Mê Linh, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Kim Hoa, Văn Khê), vùng chuyên canh cây ăn quả (Tráng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê...), vùng chăn nuôi tập trung (Tam Đồng, Liên Mạc, Tiến Thắng...)... Với kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, tháng 6-2022, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, tính đến nay, thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã tại 100% số xã, thị trấn; 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã thuộc huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Tháng 3/2022, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định về Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành để thảo luận về tiêu chí nông thôn mới Hà Nội. Cuối tháng 8 vừa qua, thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí của Hà Nội về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 đối với cấp xã và cấp huyện.
 
Đáng chú ý, các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới các cấp độ nâng cao, kiểu mẫu của Hà Nội cao hơn so với bộ tiêu chí quốc gia. Ví dụ, với tiêu chí số 2 về giao thông, mục 2.2 Bộ tiêu chí quốc gia quy định: “Đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được cứng hóa”; Hà Nội yêu cầu: “Đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa”. Hay với tiêu chí số 5 về trường học, Bộ tiêu chí quốc gia quy định: “Tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2”; Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn: “Tỷ lệ trường học các cấp trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.
 
Với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí cao hơn so với nông thôn mới nâng cao, Hà Nội còn phát huy những thế mạnh nổi bật của mỗi địa phương để tạo ra các xã nông thôn mới kiểu mẫu mang bản sắc riêng trên từng lĩnh vực. Đáng chú ý, ngoài thực hiện các tiêu chí như giai đoạn trước nhưng ở cấp độ cao hơn, còn có thêm nét mới đó là xã đó phải có ít nhất 1 mô hình nông thôn thông minh. Đối với các tiêu chí kiểu mẫu, xã tự chọn hoàn thành một trong 8 lĩnh vực: An ninh trật tự; môi trường; sản xuất; y tế; văn hóa; giáo dục và đào tạo; du lịch; chuyển đổi số (chuyển đổi số là nét mới so với bộ tiêu chí giai đoạn trước) mang giá trị đặc trưng của địa phương.
 
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, mô hình nông thôn thông minh là thôn có các tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh... Hiện nay, một số địa phương đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình thôn thông minh.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Tài cho biết, xác định xây dựng mô hình “thôn thông minh” chính là một trong những tiêu chí để đạt mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Xã đã chọn thôn Phù Đổng 2 làm điểm. Hiện nay, thôn đã thành lập trang, nhóm thông tin của thôn, nhóm thông tin của các tổ liên gia và các đoàn thể trên nền tảng zalo. Tất cả các hộ dân đều được tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. Ngoài ra, người dân trên địa bàn xã có nghề trồng hoa cây cảnh, chính quyền địa phương đã và đang kết nối, hỗ trợ các hộ dân ứng dụng công nghệ thông tin trong bán hàng trực tuyến, viết hóa đơn điện tử và giao dịch với khách hàng bằng hình thức chuyển khoản rất thuận lợi...
 
Còn tại huyện Đan Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng cho biết: Huyện đã triển khai việc thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến các xã, thị trấn. Tổ này làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chính quyền số (sử dụng dịch vụ công trực tuyến...); kinh tế số (tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm...). Việc này chẳng những giúp chính quyền và người dân thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn đáp ứng yêu cầu tất yếu đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Đối với các địa phương ven đô có định hướng phát triển lên phường, lên quận, việc xây dựng nông thôn mới được tích hợp các tiêu chí đô thị để vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm kinh phí. Hiện tại, nhiều xã ven đô tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm... đều đang thực hiện song hành các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu đề ra./.

 

 

Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: Theo Báo HNM)

Tag: Ngoại thành Hà Nội đổi thay nhờ ''cú hích'' nông thôn mới
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5525
Tổng lượt truy cập: 2,595,669