Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1563
Tổng lượt truy cập: 2,603,129

Nghề dát vàng Kiêu Kỵ độc nhất đất Thăng Long

15/05/2023 - Lượt xem: 110

Làng nghề Kiêu Kỵ hiện có khoảng trên dưới 50 hộ gia đình nhiều đời làm nghề dát vàng. Trong đó có 20 nghệ nhân do thành phố Hà Nội công nhận và 10 nghệ nhân được công nhận bởi các tổ chức đoàn thể, hiệp hội làng nghề Việt Nam. Cùng với lợi thế sở hữu nghề quỳ vàng thủ công độc nhất vô nhị, mỗi thôn tại Kiêu Kỵ đều có các di tích, đền, chùa còn giữ nguyên được giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử”.

Làng nghề dát vàng duy nhất Việt Nam

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Đông Bắc, Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) hiện là làng nghề duy nhất nước ta làm nghề dát vàng, bạc. Đến với Kiêu Kỵ vào một ngày đầu hè, giữa bộn bề âm thanh của cuộc sống, vẫn nghe rõ tiếng đập quỳ khoan, nhặt đều tay.

Tương truyền, tổ nghề dát vàng Kiêu Kỵ là Binh Bộ Tả Thị Lang Nguyễn Quý Trị. Trong một lần được vua cử đi sứ Trung Quốc năm 1763, ông đã làm quen và học được nghề dát vàng, bạc từ phương Bắc. Sau khi về nước, Kiêu Kỵ là vùng đất duy nhất được ông “chọn mặt gửi vàng” để truyền nghề. Kể từ đó, người dân Kiêu Kỵ có cuộc sống sung túc, ăn nên làm ra từ nghề tô son, thếp vàng cho các đồ mỹ nghệ, hoành phi, câu đối, tượng trưng bày tại các đền, chùa, miếu, mạo. Đã 4 thế kỷ trôi qua, vẫn chưa có một ngành công nghiệp nào thay thế được đôi bàn tay khéo léo và con mắt nghệ thuật của những nghệ nhân dát vàng đất Kiêu Kỵ.

Bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ công nghệ mạ vàng công nghiệp của Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan, những sản phẩm thủ công dát vàng có độ tinh xảo của Kiêu Kỵ vẫn giữ được những giá trị riêng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Tiếng lành đồn xa, vàng quỳ Kiêu Kỵ giờ đây không chỉ xuất hiện ở các công trình tín ngưỡng xưa, mà còn được nhiều họa sĩ chọn để trang trí nội thất của Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng Chủ Tịch, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một số công trình kiến trúc ở Huế, Hội An, chùa chiền ở thành phố Hồ Chí Minh, Miếu Bà Chúa Xứ tỉnh An Giang, Đền Trần Nam Định và nhiều khách sạn lớn trên toàn quốc…

Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung 63 tuổi hiện có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là Bình Hút Lộc và tượng vàng phong thủy Thiềm Thừ. Vừa nâng niu những sản phẩm OCOP trên tay, ông Chung vừa chia sẻ về nỗi vất vả của nghề dát vàng: “Để tạo nên những sản phẩm hoàn thiện như thế này trước đây cần qua 40-50 công đoạn, bây giờ cải tiến còn 20 công đoạn. Công đoạn cắt dòng, trại quỳ phải làm hoàn toàn trong phòng kín gió, không được bật quạt vì vàng sau khi quỳ rất mỏng, chỉ cần gió nhẹ cũng có thể thổi bay, may mắn là hiện tại đã có điều hòa. Riêng thợ đập quỳ thì không được làm trong phòng điều hòa. Đó phải là những trai tráng khỏe mạnh, dày kinh nghiệm để đập quỳ liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ với sự tập trung cao độ, nếu không quỳ sẽ không đều, nát hoặc có thể sẽ đập vào tay. Sau cùng là công đoạn làm sơn cũng phải qua mười mấy nước sơn mới hoàn thiện”.

Vất vả là vậy, nhưng với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề, ông Chung vẫn giữ cách làm truyền thống: “Tôi đã cải tiến quy trình nhiều lần, thử qua nhiều loại máy móc, nhưng chất lượng không bằng làm thủ công, không giữ được hồn cốt của nghề. Nghề này ai có tâm mới làm được!”.

Ông chung tâm sự thêm, một năm nghề sẽ kết thúc vào 30 Tết và bắt đầu “khai tràng” trở lại (Tức là khai búa đập quỳ) vào ngày 12 tháng Giêng (Lễ cúng tổ nghề). Trong những ngày không được nghe tiếng búa đập quỳ, ông cảm giấy buồn như vắng đi một phần thân thuộc của cuộc sống.

Bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc

Ông Chung phấn khởi, sau khi có hai sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, ông liên tục nhận được lời mời hợp tác từ các nhà thầu công trình trên toàn quốc. Họ tìm đến tận nơi để ký hợp đồng. Các dự án đến từ khắp mọi miền tổ quốc, cả ở các tỉnh xa xôi như An Giang, Tây Nguyên hay thậm chí ở đảo Trường Sa cũng có những công trình dát vàng Kiêu Kỵ.

Hiện tại, xưởng sản xuất có hơn 30 công nhân làm việc trực tiếp và lưu động tại các công trình, dự án trên toàn quốc. Theo chia sẻ của các công nhân đang làm việc tại xưởng sản xuất của ông Chung, thu nhập bình quân trên tháng của thợ làm trại quỳ 5 triệu đồng, thợ đánh quỳ 9 triệu đồng, thợ sơn 7 triệu đồng. Gia đình nghệ nhân ưu tú Lê Bá Chung đã có 10 đời làm nghề. Hai người con trai của ông Chung là anh Tươi và anh Chiến hiện đều là nghệ nhân dát vàng, thay bố tiếp quản những dự án tại các tỉnh thành.

Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, chính quyền đã kết hợp với các làng nghề khác như làng gốm Bát Tràng, Dương Xá... tạo tuyến tham quan làng nghề cho du khách. Đây là hướng đi mới vừa làm tăng giá trị sản phẩm của các làng nghề, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Mỗi ngành nghề, làng nghề đều có những bí quyết riêng được truyền từ đời này qua đời khác. Đặc biệt tại Kiêu Kỵ, các thế hệ kế cận muốn được truyền nghề đều phải làm lễ khấn Tổ nghề và lập lời thề "không ai được truyền ra ngoài". Đó chính là nét độc đáo giúp làng nghề Kiêu Kỵ bảo tồn, duy trì được tinh hoa nghề quỳ vàng có một không hai tại Việt Nam cho đến ngày nay.

Theo thống kê, TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, đã mai một 544 làng còn 806 làng đang hoạt động (số liệu năm 2020). Các làng nghề, làng truyền thống sản xuất đã và đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập lao động cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đang khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, hội tụ những tinh hoa truyền thống và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề. Đó chính là cơ hội tạo sự bứt phá cho các làng nghề có hướng đi phát triển mang tính chất bền vững.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Đáng chú ý, nét mới trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống đó là thành phố sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễnnghề truyền thống.


Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Tạp chí Làng nghề Việt)

Tag: Nghề dát vàng Kiêu Kỵ độc nhất đất Thăng Long
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE