Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8098
Tổng lượt truy cập: 2,763,007

Mở lối vào siêu thị cho nông sản của hợp tác xã

30/07/2021 - Lượt xem: 1983

Mở lối vào siêu thị cho nông sản của hợp tác xã
 
Đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối hiện đại như các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị là mục tiêu của không ít hợp tác xã, vì có thể tiêu thụ được số lượng lớn nông sản với đầu ra ổn định. Thế nhưng, làm cách nào để đạt được mục tiêu này lại là điều không đơn giản.
 
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19, mảng siêu thị và đại siêu thị ghi nhận sức mua tăng mạnh, hơn hẳn các mô hình bán lẻ truyền thống. Lý do là sự đa dạng mặt hàng ở những điểm bán này, đồng thời các kênh bán lẻ hiện đại giúp người dân giảm việc phải đi lại và tiếp xúc với nguy cơ nhiễm bệnh.  Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để các Hợp tác xã đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
 
Trong những năm qua, sản xuất rau quả, đặc biệt là rau quả an toàn đã góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn nông sản vẫn chủ yếu tiêu thụ theo hình thức truyền thống.
 
Theo đại diện Viện Nghiên cứu rau quả dẫn chứng, trên địa bàn thành phố Hà Nội, sản lượng rau quả khoảng 60.000 tấn/tháng và 65% là do các HTX sản xuất. Trong đó, 10% được tiêu thụ ở các tỉnh thành lân cận; 80% tiêu thụ tại các chợ dân sinh, nhà hàng, bếp ăn tập thể, người tiêu dùng trực tiếp tại thành phố Hà Nội; chỉ khoảng 10% rau quả được tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị. Tình trạng này khiến giá cả nông sản của các HTX, nông dân thấp, đầu ra bấp bênh.
 
“Lượng rau an toàn cung cấp vào quầy rau an toàn, cửa hàng rau an toàn chỉ từ 80-200kg/ngày/điểm bán, vào các siêu thị cũng chỉ dừng ở mức 30-550kg/ngày/đơn vị. Đây là số lượng còn khiêm tốn so với thực tế sản xuất của người dân, hợp tác xã”.
 
Việc chỉ có số lượng ít nông sản của HTX vào được siêu thị cần nhìn nhận dưới hai góc độ. Thứ nhất là do chất lượng của một số mặt hàng nông sản còn chưa đảm bảo tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Thứ hai là do các siêu thị và HTX chưa tìm được tiếng nói chung trong quá trình ký kết hợp đồng.
 
Theo đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết, với nhu cầu của thị trường hiện nay buộc các HTX phải thay đổi trong sản xuất theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn.  Bởi để vào được các cửa hàng nông sản sạch và siêu thị, hàng hóa của HTX phải trải qua các quy trình kiểm tra rất khắt khe.
 
Ngoài hồ sơ (giấy phép đăng ký HTX, giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP hoặc giấy chứng nhận các tiêu chuẩn, số tài khoản, mẫu mã sản phẩm - bao bì, nhãn mác), các siêu thị và cửa hàng nông sản sạch còn tiến hành kiểm tra vùng trồng, đánh giá thực tế sản xuất, sau đó mới quyết định ký hợp đồng.
 
Khi bảo đảm chất lượng và đi đến ký kết hợp đồng, phía siêu thị và HTX sẽ tiếp tục bàn đến các thỏa thuận như cách thức giao hàng, thời gian thanh toán, số lượng giao hàng.
 
Để hạn chế những khó khăn trong quá trình làm việc với siêu thị, HTX nên bảo đảm sản xuất liên tục, đa dạng các mặt hàng theo quy trình sản xuất một cách minh bạch. “Một mặt hàng đạt đến tiến độ hoàn hảo phải mất ít nhất khoảng 7 năm để hoàn thiện. HTX không nên nóng vội đốt cháy giai đoạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm”, đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho hay.
 
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết: khi làm việc với siêu thị sẽ khó hơn so với làm việc với thương lái. Tuy nhiên, để hạn chế chi phí trong quá trình làm việc với siêu thị, HTX nên lựa chọn hình thức giao hàng tận siêu thị thay vì giao tại kho. Phần lớn HTX thường nghĩ rằng giao ở kho cho tiện, đỡ chi phí nhưng thực tế không phải vậy. Việc giao tại kho vẫn diễn ra lẻ tẻ do từng hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch đặt riêng lẻ. Cùng với đó, giao hàng ở kho phải đúng giờ mới được chấp nhận.
 
Hợp tác xã cũng phải thống nhất với siêu thị về số lượng đơn hàng trong một lần đặt. Nếu yêu cầu đơn hàng lớn mới giao để tiết kiệm chi phí thì nông sản lại mất đi cơ hội có mặt trên kệ vì không phải tất cả các mặt hàng đều hết cùng một lúc. Chính vì vậy, HTX nên chấp nhận giao hàng với số lượng nhỏ và giao ngay để trên kệ lúc nào cũng có sản phẩm của mình.
 
“Với những mặt hàng tươi, HTX có thể mở rộng vùng sản xuất ở gần điểm tiêu thụ của siêu thị. Đối với mặt hàng khô, đã qua chế biến, HTX có thể lựa chọn phương án chuyển phát nhanh để hạn chế chi phí vận chuyển”.
 
Theo các chuyên gia, thực tế nhiều HTX đã và đang phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP… nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên không đủ năng lực tham gia hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu. Để nông sản rộng đường vào siêu thị hay những kênh  phân phối hiện đại, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất là rất cần thiết. Qua đó, không chỉ để xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán ra thị trường mà còn để nâng cao sức mạnh của chính HTX.

 

Khi sản xuất theo chuỗi, quá trình làm việc giữa siêu thị và HTX sẽ giảm bớt những khó khăn. Qua đó, HTX sẽ học hỏi được cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Hiện nay, các siêu thị đang rất quan tâm đến các nông sản sạch, sản phẩm OCOP từ các địa phương. Đây cũng là cơ hội cho HTX đưa nông sản vào hệ thống siêu thị.

Tổng hợp: Lê Cường (Nguồn: Theo Tạp chí điện tử Kinh Doanh)

Tag: Mở lối vào siêu thị cho nông sản của hợp tác xã
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8098
Tổng lượt truy cập: 2,763,007