Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 872
Tổng lượt truy cập: 2,600,742

Huyện Mỹ Đức: Khởi sắc nghề dệt ở Phùng Xá

10/11/2022 - Lượt xem: 909

Xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) có nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống. Những năm gần đây, thay vì dệt lụa, các hộ đã chuyển sang dệt khăn mặt, khăn tắm tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, làng nghề tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Phan Thị Nhung, toàn xã hiện có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm... Nghề đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã.
 
Nhận thức rõ việc xây dựng thương hiệu, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm, các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa phương đã rất tích cực tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. Tính đến nay, trên địa bàn xã đã có 34 sản phẩm của 8 chủ thể là hộ sản xuất, doanh nghiệp được thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP như: “Khăn lụa tơ tằm”, “Khăn lụa tơ sen”, “Chăn bông tơ tằm tự dệt”; các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm làm từ sợi nở, sợi tre, sợi cotton…
 
Ông Đỗ Hữu Trí, chủ cơ sở dệt ở thôn Hạ, xã Phùng Xá cho biết: Xưởng sản xuất của gia đình có 20 lao động tập trung. Ngoài ra, cơ sở còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng trăm lao động vệ tinh nhận hàng về làm tại nhà. “Ở Phùng Xá, mỗi gia đình thường có từ 1 đến 4 máy dệt. Các hộ thường lấy nguyên liệu về nhà dệt, nhuộm, sau đó giao lại cho cơ sở của chúng tôi để cắt và may hoàn thiện sản phẩm”, ông Trí cho biết.
 
Công ty TNHH Dệt may Thành Long thường xuyên có 100 công nhân lao động. Theo Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Thành Long Phạm Đình Thành thông tin, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện nay, doanh nghiệp đã sản xuất được dòng sản phẩm khăn bông sợi nở có khả năng thấm hút cao, mềm mại, tiện dụng, an toàn. Sản phẩm đang được bày bán ở nhiều siêu thị và được các khách sạn đặt hàng.
 
Bà Nguyễn Thị Ngà, một người dân ở xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) đang có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp dệt ở xã Phùng Xá cho biết: "Tôi đi từ nhà đến xưởng dệt chỉ mất 10 phút. Công việc chính của tôi là rọc khăn, máy bo viền, xếp khăn thành phẩm vuông vắn. Mỗi ngày đi làm, tôi được trả công 200 nghìn đồng. Đó là mức thu nhập khá trong những ngày nông nhàn".
 
Theo Chủ tịch UBND xã Phùng Xá Vũ Văn Chùy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề vay vốn, đầu tư máy móc hiện đại cho sản xuất. Việc làm này không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn giúp sản phẩm đồng đều hơn, chất lượng hơn, đáp ứng các tiêu chí để xuất khẩu và đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn. Hiện, xã Phùng Xá đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Làng nghề chính là một trong những điểm sáng trong "bức tranh" kinh tế của xã. Cũng nhờ thu nhập khá từ ngành nghề, người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và tích cực đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, chung sức làm đẹp quê hương.

 

 

Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Báo HNM)

Tag: Huyện Mỹ Đức: Khởi sắc nghề dệt ở Phùng Xá
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 872
Tổng lượt truy cập: 2,600,742