Huyện Hoài Đức: Phát triển kinh tế trang trại cho thu nhập cao
11/08/2021 - Lượt xem: 1302
Tập trung vào bảo vệ và cải tạo môi trường đất theo hướng bền vững, vợ chồng anh Đàm Văn Vượng - Hoàng Thị Nhàn ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã có thu nhập ổn định gần 1 tỷ đồng mỗi năm ở khu đất hoang hóa.
Anh Đàm Văn Vượng vốn là Trưởng khoa Hầm lò của trường Kỹ thuật Trung cấp Mỏ Quảng Ninh (Đại học Công nghiệp Quảng Ninh). Sau 15 năm tham gia trực tiếp vào việc nổ mìn khai thác mỏ đá, anh nhận ra đây là một hành động hủy hoại thiên nhiên. Trước những tác hại tiêu cực từ việc khai thác khoáng sản, anh quyết định từ bỏ công việc khi đang ở độ chín của sự nghiệp.
Sau khi trở về địa phương, anh Vượng chọn gắn bó với nông nghiệp, mong muốn có thể làm gì đó tích cực để bảo vệ môi trường tự nhiên. “Là người từng được đi học tập, tham quan nhiều nước trên thế giới, tôi rất ấn tượng với cách làm nông nghiệp của các nước như Nga, Hungary… Họ coi trọng việc bảo vệ và cải tạo đất, nên sản xuất nông nghiệp của họ rất thuận lợi và hiệu quả”– anh Vượng chia sẻ.
Trong khi đó ở Việt Nam, người làm nông nghiệp tăng trưởng dựa trên mô hình về lượng hơn là về chất, tăng cường thâm canh dẫn đến lạm dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón, ảnh hưởng tiêu cực cho đất. Theo anh Vượng, chỉ khi biết sử dụng và bảo vệ môi trường đất, sẽ tạo ra sản phẩm lâu dài, giúp chúng ta có sản phẩm bền vững.
Hiểu được điều đó, anh Vượng ngày ngày say mê tìm cách cải tạo đất. Đối với anh, mọi sự vật tồn tại trong hệ sinh thái đều có lý do của nó, ngay cả chiếc lá rụng, cọng rơm… nếu chúng ta biết sử dụng cũng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.
Sau nhiều năm nghiên cứu, anh Vượng tìm thấy giải pháp hữu hiệu giúp cải tạo đất từ giun quế. “Giun quế là những “bác sĩ của đất” vì các vi sinh vật cộng sinh trong phân giun giúp cho đất màu mỡ. Dịch giun là nguồn dưỡng chất dồi dào cho cây trồng. Đất có giun sẽ ẩm, tơi xốp hơn, các chất hữu cơ nhanh chuyển hóa, dễ dàng cho cây trồng hấp thụ” – anh Vượng giải thích.
Năm 2012, vợ chồng anh thu gom tận dụng bã sắn, bã đậu nành, mùn, bã củ dong riềng của nhà máy sản xuất miến trong vùng để phục vụ việc nuôi giun.
Chị Hoàng Thị Nhàn cho biết, khi mới tiếp quản khu vườn của một hợp tác xã nấm bỏ hoang, anh chị đã phải mất nhiều công cải tạo đất. Vì đất cằn cỗi, cây cối sâu bệnh, trồng cây gì cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn này đã được tháo gỡ sau khi sản xuất được phân trùn quế, anh sử dụng cải tạo đất và bón cho cây trồng. Liều lượng bón cho đất năm đầu tiên là 2 tấn phân giun quế/sào, đến năm thứ 2 giảm xuống còn 1 tấn và từ năm thứ 3 trở đi cho từ 5 – 6 tạ phân.
Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay anh chị đã làm chủ 4 trang trại giun quy mô lớn, với diện tích 2.000m2, mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường 500 tấn phân giun quế. Sản phẩm của trang trại cung cấp cho thị trường hiện nay chủ yếu là giun giống và phân giun. Giá bán giun giống là 20.000 đồng/kg và phân giun là 2.500 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh chị xuất ra thị trường hơn 5.000 tấn phân giun quế.
Thành công hơn cả là sau gần 10 năm cải tạo, hiện khu đất rộng 17.000m2 của gia đình anh chị đã trở nên màu mỡ, cây trái xanh tốt bốn mùa. Trong quá trình sản xuất không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc hay phân bón hóa học nào. Ngoài các loại cây như nhãn, ổi, bưởi… anh chị còn canh tác 4 lứa ngô/năm, tổng sản lượng ngô thu về là 12 tấn. Có sản phẩm ngô và giun quế, anh chị phát triển thêm chăn nuôi lợn và lươn. Trung bình mỗi năm xuất chuồng 100 con lợn và 1 vạn con lươn.
“Trang trại của gia đình tôi hoạt động theo chu kỳ khép kín. Sản phẩm của chăn nuôi phục vụ cây trồng và ngược lại. Vì vậy đã tiết giảm chi phí, tăng thu nhập. Doanh thu của trang trại năm 2020 là gần 1 tỷ đồng” – chị Nhàn chia sẻ.
Mặt khác, từ việc cung cấp số lượng lớn phân hữu cơ cho các trang trại sản xuất rau sạch, mô hình của anh Vượng và chị Nhàn đã gián tiếp đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, đồng thời góp phần giảm thiểu rác thải, cải thiện môi trường./.
Tổng hợp: Lê Cường (Nguồn: Theo Báo KTĐT)
Các tin tức khác