Hà Nội: Chăn nuôi, chế biến đà điểu ở Ba Vì gắn với du lịch
10/11/2022 - Lượt xem: 1105
Hiện nay, bên cạnh những vật nuôi mang lại hiệu quả như: Bò sữa, bò thịt, gà đồi..., tại Ba Vì, còn có hơn 100 hộ dân nuôi đà điểu tập trung, quy mô ở các xã: Vân Hòa, Tản Lĩnh... Các sản phẩm chế biến từ đà điểu đã đạt OCOP 3-4 sao, trở thành đặc sản được khách du lịch đánh giá cao
Vân Hòa là một trong những địa phương chăn nuôi đà điểu lớn nhất huyện Ba Vì. Anh Trần Hữu Mạnh, ở thôn Hòa Trung (xã Vân Hoà), đưa chúng tôi tham quan trang trại nuôi hàng trăm con đà điểu. Anh cho biết, vốn là kỹ sư hàng hải, nhưng anh luôn trăn trở, mong muốn trở về quê hương phát triển kinh tế.
"Năm 2016, trong một lần về thăm nhà, thấy người dân trong vùng nuôi đà điểu hiệu quả cao, tôi mạnh dạn bỏ nghề lái tàu thủy, trở về quê nuôi đà điểu", anh Mạnh nói.
Làm nông nghiệp vốn nhiều rủi ro nhưng với sự ham học hỏi, địa phương sẵn nhiều mô hình thành công, anh Mạnh dễ dàng bắt nhịp... Hiện, trang trại đà điểu của anh tại thôn Hòa Trung có diện tích 4.000m², quy mô nuôi hết công suất được 200 con. Bên cạnh đó, anh liên kết với các trang trại vệ tinh nuôi thêm 200-300 con đà điểu/năm. Nhờ mô hình chăn nuôi đà điểu, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm, gia đình anh Mạnh thu về 500-700 triệu đồng. Trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập 6-10 triệu đồng/người/tháng...
Tương tự, anh Phan Ngọc Tú ở thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa cũng chăn nuôi đà điểu quy mô lớn. Vốn là kỹ sư Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT), anh về mở rộng chăn nuôi đà điểu tại quê hương. Theo anh Tú, việc chăn nuôi đà điểu không quá khó với người dân Ba Vì và một số nơi nhưng "đầu ra" sản phẩm là thách thức lớn. Giai đoạn đầu khi mới nuôi, đà điểu đến kỳ xuất chuồng khó bán vì người dân còn lạ nên e ngại khi mua.
"Do đó, khi mở rộng chăn nuôi, tôi xác định phải chăn nuôi quy mô khép kín ngay từ đầu để chủ động trong mọi khâu", anh Tú chia sẻ.
Theo đó, ngoài đầu tư chăn nuôi đà điểu quy mô 100 con trên diện tích 2ha, anh Tú còn đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, thu mua đà điểu của các hộ dân trong vùng về giết mổ, chế biến thành phẩm với thương hiệu đà điểu Tú Hường, sản phẩm đã đạt OCOP 3-4 sao tùy dòng sản phẩm, được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Sản phẩm thịt, giò đà điểu Tú Hường được nhiều du khách đến tham quan Ba Vì mua về làm quà. Khi giới thiệu tại các hội chợ, đặc sản này của địa phương cũng được người tiêu dùng đánh giá cao
Chị Nguyễn Hương Trà - khách du lịch đến thăm Ba Vì chia sẻ: "Trước đây, đi du lịch Ba Vì, gia đình tôi hay mua các sản phẩm sữa, nhưng nay có thêm đặc sản là thịt và giò đà điểu thơm ngon, đặc trưng"...
Về loại hình chăn nuôi này, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, với lợi thế địa phương, nếu phát triển số lượng lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi đà điểu cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi lợn, gia cầm. Địa phương đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó thành lập ngành hàng chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ đà điểu nhằm tạo sản phẩm mũi nhọn, phục vụ du lịch tại địa phương..
Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo Báo HNM)
Các tin tức khác