Cô nàng gen Z say mê với nghề thêu tay truyền thống
06/12/2024 - Lượt xem: 10
Sống giữa kỷ nguyên số, nơi những giá trị truyền thống dễ bị lãng quên, cô gái trẻ Tạ Thị Tú Anh, sinh năm 1999, đến từ làng Đông Cứu (huyện Thường Tín, Hà Nội) lại lựa chọn con đường khác biệt: kế thừa và phát huy nghề thêu tay truyền thống.
Tú Anh sinh ra và lớn lên tại làng Đông Cứu (thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi đây được xem là cái nôi của nghề thêu tay truyền thống, thời phong kiến chuyên chế tác y phục cho triều đình. Ngày nay, làng nghề này tập trung sản xuất những mẫu “khăn chầu, áo ngự” cho các thanh đồng sử dụng khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Gia đình Tú Anh làm nghề thêu truyền thống lâu đời, tuổi thơ của cô gắn liền với hình ảnh những chiếc khung thêu, những sợi chỉ óng ánh và họa tiết sặc sỡ trên các bộ xiêm y, mũ áo phục vụ cho các nghi lễ. Thế nên hơn ai hết, cô hiểu từng đường kim, mũi chỉ trên các sản phẩm đều chất chứa sự kỳ công và tâm huyết của mỗi người thợ.
Như bao bạn trẻ khác, với mong muốn khám phá những điều mới mẻ, ban đầu, Tú Anh định hướng theo đuổi ngành du lịch sau khi tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, những sợi chỉ làng Đông Cứu như sợi tơ duyên kéo cô gái trẻ về với nghề thêu đã gắn bó bao năm.
“Sau khi tiếp xúc với nhiều nét văn hóa cổ truyền, tôi nhận thấy những sản phẩm thêu tại chính ngôi nhà, ngôi làng của mình cũng vô cùng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, tôi tự cảm thấy phải có trách nhiệm với nghề mà ông cha đã miệt mài gìn giữ bao nhiêu năm qua” - Tú Anh chia sẻ.
Con đường giữ gìn nghề thêu không hề bằng phẳng, nhất là đối với một người trẻ như Tú Anh. Cô gái trẻ gặp thử thách khi phải cân bằng giữa việc kế thừa những kỹ thuật thêu truyền thống, các họa tiết lâu đời được cha ông truyền dạy, với những sáng tạo mới mẻ mà cô muốn đưa vào sản phẩm
“Nếu không kết hợp tốt giữa truyền thống và hiện đại sẽ dễ tạo ra phản ứng ngược. Những sản phẩm phá cách đôi khi sẽ không thu hút được khách hàng. Phải làm sao để các mẫu mã vừa mới vừa không mất “chất” là điều khiến tôi phải nghiên cứu, tìm tòi rất nhiều” - Tú Anh tâm sự.
Là một gen Z chính hiệu, Tú Anh nhận thấy, để đưa nghề thêu thật sự phát triển, gìn giữ kỹ thuật truyền thống thôi là chưa đủ, mà còn cần quảng bá sản phẩm đến với những thị trường rộng lớn hơn.
Theo đó, tận dụng lợi thế thành thạo mạng xã hội, cô đã xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua các nền tảng Facebook và TikTok. Những hình ảnh, video đầy sáng tạo chia sẻ quá trình làm ra các sản phẩm “khăn chầu, áo ngự” của cô đã thu về lượng lớn tương tác, bình luận.
“Lần đầu quảng bá sản phẩm trên các nền tảng, nhiều người còn thấy lạ lẫm. Sau khi được xem chất lượng khăn, áo, khách hàng từ khắp nơi bắt đầu ngỏ ý mua, rồi họ cứ thế giới thiệu cho nhau” - Tú Anh hào hứng chia sẻ.
Các sản phẩm của cô theo đó không chỉ còn gói gọn trong thị trường địa phương mà đã vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí là đến với những khách hàng quốc tế, nhờ vào sức mạnh của truyền thông số.
Trò chuyện với Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân thêu Nguyễn Thế Nhận, làng nghề Đông Cứu nhận định: "Ít bạn trẻ nào sẵn sàng ở lại làng quê để gắn bó với nghề truyền thống như Tú Anh. Không chỉ tận tâm với nghề, Tú Anh còn mạnh dạn thử nghiệm các chi tiết mới và năng động đưa sản phẩm quảng bá trên các nền tảng số để nhiều người biết đến nghề thêu Đông Cứu".
Anh Kiều Minh Long, một khách hàng tại Hà Nội cũng chia sẻ về ấn tượng đối với cô thợ thêu trẻ: "Tôi biết đến Tú Anh qua mạng xã hội và rất thích cách cô ấy quảng cáo các sản phẩm thêu. Khăn, áo thêu tay của Tú Anh không chỉ đẹp, mới mẻ, mà còn đúng tinh thần của các nghi lễ, canh hầu”.
Câu chuyện của Tạ Thị Tú Anh là ví dụ điển hình cho một người trẻ vừa có trách nhiệm gìn giữ những giá trị truyền thống, vừa năng động, sáng tạo, làm cho sản phẩm làng nghề trở nên sống động, ý nghĩa trong nhịp sống hiện đại.
Tổng hợp: Anh Cương (Nguồn: Theo Báo KT&ĐT)
Các tin tức khác