Xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng kỷ lục
05/12/2024 - Lượt xem: 5
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.
Ngành nông nghiệp đã cơ bản đạt và vượt các mục tiêu đề ra khi kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 11 tháng qua đạt gần 57 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt gần 16,5 tỷ USD, tăng 52,8%. Nếu giá trị xuất khẩu tháng 12 đạt trên 5 tỷ USD thì Việt Nam sẽ vượt mốc trên 61 tỷ USD trong năm nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản (NLTS) tháng 11 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đạt gần 57 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu một số mặt hàng đã tăng trưởng kỷ lục, đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS như gỗ, thủy sản, rau quả, gạo...
Cán cân thương mại ngành NLTS Việt Nam 11 tháng ước đạt thặng dư gần 16,5 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu NLTS đã đạt đến cột mốc rất quan trọng là gần 57 tỷ USD. Nếu giá trị xuất khẩu tháng 12 đạt trên 5 tỷ USD thì Việt Nam sẽ vượt mốc trên 61 tỷ USD.
"Giá trị thặng dư thương mại của ngành tăng mạnh chủ yếu nhờ vào thặng dư thương mại của gỗ và sản phẩm gỗ lên tới 12,11 tỷ USD. Việc đẩy mạnh ký kết các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp ngành hàng rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD sau 11 tháng. Hằng năm, thặng dư thương mại của nông sản thường chiếm 65-72% toàn ngành kinh tế. Điều này chứng tỏ được lợi thế tiềm năng của nông nghiệp đã và đang được khơi thông. Đây cũng là nền tảng để năm 2025 chúng ta có thể về đích với quy mô, tỷ suất xuất khẩu lớn hơn”, ông Tiến khẳng định.
Theo ông Tiến, đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp mặc dù còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ngành nông nghiệp giải ngân rất nhanh, ở mức tỷ lệ rất cao, góp phần gắn kết vùng nguyên liệu, với thu hoạch, sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị. Việc áp dụng khoa học công nghệ cũng đã hết sức khẩn trương được áp dụng trong các lĩnh vực của nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ, gắn sản xuất với thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại hiệu quả. Ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo tập trung quyết liệt vào một số thị trường tuy khó tính nhưng mang lại giá trị kinh tế cao.
Thắng Lợi (Theo tienphong.vn)
Tổng hợp: (Nguồn: )
Các tin tức khác