Thêm nhiều mô hình trồng rau, hoa ở Sơn Tây
20/09/2024 - Lượt xem: 3
Phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với định hướng đúng đắn, thị xã Sơn Tây đang hiện thực hóa Chương trình số 09 của Thị ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao thị xã Sơn Tây giai đoạn 2021-2025”, trong đó coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhờ đó, thị xã hình thành nhiều mô hình trồng rau, hoa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/ha/năm.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, thị xã đã và đang khai thác tốt lợi thế của từng vùng đất để phát triển nông nghiệp, xây dựng được nhiều mô hình, như: Trồng sâm Bố Chính công nghệ cao, cúc chi hữu cơ tại xã Thanh Mỹ; trồng hoa, rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP (quy trình thực hành nông nghiệp tốt) tại phường Viên Sơn; trồng đu đủ đực khai thác hoa tại xã Cổ Đông; trồng nho Hạ đen ở các xã Đường Lâm, Xuân Sơn... Những mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, với doanh thu từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha/năm.
Tại địa bàn phường Viên Sơn, từ năm 2016, thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phường đã phát triển vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 20ha, trong đó có 8ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ nông sản sạch Viên Sơn Bùi Thị Hiếu thông tin, hợp tác xã cung cấp sản phẩm rau an toàn cho các bếp ăn tập thể, như trường học, đơn vị quân đội trên địa bàn thị xã, đưa vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị sạch của Hà Nội, như: Biggreen, Sói Biển, Big C, Winmart... với sản lượng gần 2.000kg/ngày. Mô hình rau an toàn, VietGAP ở phường Viên Sơn cho doanh thu khoảng 500-600 triệu đồng/ha/năm.
“Nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh, hợp tác xã đang chuyển đổi 2ha theo hướng mô hình sản xuất tuần hoàn - hữu cơ. Cụ thể, hợp tác xã tận dụng các phụ phẩm trong quá trình sơ chế rau củ quả, kết hợp với phân bò để nuôi giun quế trên diện tích 400m2, sau 45 ngày cho thành phẩm khoảng 7 tấn phân sử dụng cho sản xuất rau hữu cơ. Phân giun có tác dụng cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản. Giun quế có thể sử dụng làm thức ăn cho động vật hoặc thủy sản. Ngoài ra, hợp tác xã còn dành khoảng 1.000m2 làm khu tham quan trải nghiệm, phục vụ các trường học trên địa bàn thị xã”, bà Bùi Thị Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, ở phường Trung Sơn Trầm, nhiều năm trở lại đây địa phương đã phát triển mạnh mô hình trồng cây cảnh, trên diện tích 30ha tập trung và 10ha rải rác tại các khu đồng trên địa bàn. Phương thức này có hơn 100 hộ tham gia sản xuất. Phó Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm Khuất Đôn Quân lý giải, vì các hộ nông dân nhận thấy tiềm năng kinh tế, nên đã đưa về trồng thử nghiệm một số loại cây mộc, vú sữa… trên vùng gò cao. Dần dần, cây sinh trưởng, phát triển tốt, hương hoa mộc thơm, vú sữa cho quả ngọt. Từ đó, người dân học tập, truyền kinh nghiệm cho nhau rồi hình thành và đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất hoa, cây cảnh các loại. Ông Cao Văn Minh, chủ một hộ trồng hoa, cây cảnh ở phường Trung Sơn Trầm thông tin, mỗi sào trồng cây mộc hương giống cho thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Riêng cây hoa mẫu đơn cho thu hoạch quanh năm, trung bình đạt 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Viết Đạt thông tin, cùng với duy trì các vùng trồng rau, hoa an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP đã có, thị xã đang tập trung xây dựng, mở rộng thêm một số vùng rau an toàn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các xã: Cổ Đông, Kim Sơn, Thanh Mỹ, Đường Lâm...; mở rộng vùng trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu trên địa bàn các xã, phường khác có điều kiện đáp ứng. Từ đó, nông dân cung cấp cho thị trường những sản phẩm rau, hoa an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đạt hiệu quả kinh tế cao./.
Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Báo HNM)
Các tin tức khác