Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8175
Tổng lượt truy cập: 2,903,271

Thăm xưởng kéo sợi chuối một ngày mưa

26/02/2024 - Lượt xem: 126

Buổi xuống thăm xưởng kéo sợi chuối ở xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) ấy của tôi không ngờ là một ngày trời mưa tầm tã.

Nhặt thân chuối bỏ mang về kéo sợi
Nhưng tôi vẫn cứ đi bởi muốn hình dung ra phần nào cái nhà máy vải sợi chuối trị giá 495 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Musa Pacta sắp khởi công ở Thanh Hóa qua cái xưởng kéo sợi chuối đơn sơ tại Khai Thái này. Vì trời mưa nên công nhân nghỉ hết, tôi được chứng kiến cảnh ông Đào Văn Hùng - Giám đốc HTX sợi chuối Khai Thái và anh Bùi Khánh Dũng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Musa Pacta hì hụi bốc cả tấn phân hữu cơ vi sinh được làm từ bã chuối lên xe để chuyển đi một tỉnh miền núi phía Bắc. Một vị khách khác sở hữu công ty giấy cũng bắt xe đến xưởng để hỏi chuyện về sản xuất giấy từ sợi chuối khiến cho công việc của anh Dũng tất bật mãi đến tận trưa mới dứt.

Anh Bùi Khánh Dũng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Musa Pacta bên bông hoa sen được làm từ sợi tơ chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chẳng biết làm gì, tôi cứ thẩn tha ngắm nhìn những vật dụng lạ mắt được tết, được may bằng sợi chuối rất tinh tế trong mấy căn phòng mẫu. Nào là túi, nào là giỏ, nào là lọ hoa, đèn, đệm, tranh, nào là con cú đựng đồ, nào là dép làm từ sợi chuối… đủ kích cỡ từ nhỏ bé đến khổng lồ, từ có giá vài trăm ngàn đến cả tỉ đồng như bộ đèn đặt hàng riêng của một đại gia đất mỏ Quảng Ninh, thích hợp treo trong những đại sảnh rộng hàng trăm m2. Tuổi thọ của các vật dụng này nếu để trong nhà có thể lên tới 20 - 30 năm.

Đầu giờ chiều khi trời đã ngớt mưa, tôi được ông Hùng dẫn ra bãi chuối mênh mông rộng hàng trăm ha ven sông Hồng gần đó để nhặt những thân chuối người dân bỏ lại sau khi đã thu hoạch buồng. Trở về xưởng vốn là một điểm trường tiểu học của thôn nay đã bị bỏ không, được Công ty Musa Pacta thuê lại, ông đẩy những thân chuối qua một cái máy để bổ đôi rồi tách ra thành nhiều tấm.

Cầm tấm bẹ chuối, ông tiếp tục đưa vào miệng một cái máy khác đang kêu sè sè, đợi nó “nuốt” vào gần hết thì giật mạnh trở lại. Kỳ lạ thay, trên tay ông lúc này không còn nguyên vẹn hình hài của tấm bẹ chuối nữa mà là một nắm sợi chuối trắng muốt và mềm mại. Ông Hùng thủng thẳng giải thích, thân cây chuối tây hay chuối ta đều có thể kéo sợi được, miễn sao bên trong bẹ phải trắng, không bị nhậy, bị sâu ăn và độ dài tối thiểu 1m.

Một trong những bộ đèn tơ chuối trị giá tiền tỉ mà đại gia Quảng Ninh đặt làm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có những thân chuối tây dài đến 3 - 4m, lao động trong xưởng phải đem chặt ra làm mấy khúc cho vừa sức mới vác nổi từ bãi lên xe công nông. Mỗi chuyến xe chất được 90 - 100 thân cây chuối như thế, lặc lè chở về xưởng để sẵn sàng cho việc chế biến kéo sợi. Trung bình 1 tấn thân chuối bỏ đi sản xuất ra được 10 - 15kg sợi, tùy theo bên trong nó có xơ nhiều hay ít. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Phần lõi trong cùng thân chuối thu được sợi mềm và dẻo nhất, lớp vỏ ngoài cùng lại cho sợi cứng và dày nhất.

Chuối là một cây thuần âm (không có chuối đực, hoa chuối tự thành quả mà không cần hoa đực) tượng trưng cho sự gắn kết, cho gia đình, bao bọc, gắn kết. Trong các hoạt động tâm linh, thờ cúng của người Việt Nam thì cây chuối, nải chuối không bao giờ vắng bóng. Với tâm ý mang lại cho mỗi gia đình Việt Nam một sản phẩm tâm linh góp phần làm cho việc chăm sóc ban thờ của mỗi gia đình trở nên dễ dàng, tốt đẹp, HTX của ông Hùng đã làm nên bộ tảo sái (chổi quét bàn thờ) theo 5 màu phù hợp với ngũ hành kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, phù hợp với mệnh tuổi của mỗi gia chủ. Sản phẩm này được chế tác từ sợi tơ chuối trong phần lõi của thân cây để đảm bảo mềm mịn nhất, có mùi thơm nhất.   

Bà Nguyễn Hồng Thanh - vợ ông Hùng kể mấy năm trước khi đang rảnh rỗi thì được người ta mách lên xưởng sợi chuối ở Lập Phương (xã Khai Thái) mà làm, công ngày trả 150.000đ nên tò mò đi thử. Lúc đó có mấy người đang thi bài vừa hỏi vừa làm. Thấy bà đến, anh Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Công ty Musa Pacta liền cầm mấy sợi chuối hỏi có biết tết đôi, tết ba không, bà trả lời: “Ối giời, cái này tôi làm thừa” rồi nhoay nhoáy tết.

Bẹ thân cây chuối để làm sợi tơ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đợi khi bà tết xong, anh mang cái máy quay thừng ra hỏi tiếp. Nhiều người nhao nhao hăng hái xin làm tuy nhiên đều thất bại nhưng đến lượt bà thì được ngay bởi việc đó đã quen từ tấm bé. Tỏ ý hài lòng, anh Dũng bảo: “Thứ hai em đón chị đi huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nhé”. Đến đó, bà cùng với một người làng nữa được hướng dẫn để se sợi một li. Người kia se hỏng nhưng đến lượt bà, chỉ vừa mới bắt đầu mà mọi người đều xì xào, bàn tán: “Cái tay cô kia thể nào cũng làm được”. Quả đúng như thế thật…

Nơi làm ra 7 sản phẩm OCOP 4 sao

Lúc đầu, Công ty Musa Pacta thuê nhà một người dân trong làng làm nhưng chật quá, bà Thanh liền mang sợi chuối về nhà, những lao động khác kéo đến làm cùng, tự nhiên nhà bà lại thành xưởng. Khi đơn hàng nhiều, vật liệu tập kết về lắm, cái xưởng tại gia đó bị chật quá, Công ty mới thuê một điểm trường tiểu học bỏ không trong thôn để làm.

Thấy ông Hùng chồng bà tính tình hiền lành và chăm chỉ, việc gì cũng xông xáo nên anh Dũng động viên ông xin giấy phép thành lập HTX sợi chuối Khai Thái, đứng lên làm giám đốc để quản lý xưởng, quản lý lao động.

Ngoài số lao động trực tiếp ở xưởng, hiện có hơn 30 người làng, chủ yếu là độ tuổi trung niên và già nhận sợi chuối về nhà để làm. Với giá tết đôi 800đ/m, tết ba 1.000đ/m, trung bình mỗi ngày mỗi người cũng kiếm được khoảng trên dưới 100.000đ. Điều quan trọng là những lao động tết sợi chuối hầu hết đều ở độ tuổi các khu công nghiệp từ chối nhận, sức khỏe hạn chế và thời gian họ làm cũng hết sức linh hoạt.

Đưa bẹ chuối vào máy kéo sợi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong xưởng của HTX có 1 máy chẻ thân chuối, 4 máy tuốt sợi chuối để tết, may làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 1 máy thủy lực ép bã chuối ra nước sau khi tuốt được kết hợp với quả chuối chín để ủ enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới rau, cây ăn quả; còn đám bã được trộn với vi sinh, ủ ép thành phân viên nén nhả chậm. Tóm lại, đây là một xưởng sản xuất không rác thải, không một thứ gì bị bỏ đi, không một mùi gây khó chịu.

7 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tơ chuối của HTX đã tham dự Chương trình OCOP của Thành phố Hà Nội và được xếp hạng 4 sao gồm đèn sợi chuối, tảo sái sợi chuối, túi xách sợi chuối, lọ hoa sợi chuối, giỏ đựng đồ con cú sợi chuối, cọ cốc chén sợi chuối. 

Cũng tại cái xưởng đơn sơ này, năm ngoái anh Dũng cùng ông Hùng đã thử làm bông từ sợi chuối bằng cách luộc, chế thêm ít dầu ăn rồi đem giã trong cái cối giã cua. Giã mỏi bại cả cánh tay họ mới thu được một nhúm bông chuối mát mịn còn hơn cả bông từ quả của cây gạo. Mừng húm, anh Dũng sau đó mang về một cái cối giã chạy bằng mô tơ điện khiến cho bà vợ của ông Hùng cứ thắc mắc: “Sao chú lại mang khẩu đại bác về làm gì thế này?”. Anh Dũng nghe những lời bình luận thực thà ấy liền bật cười. Chẳng cứ bà Thanh mà nhiều người làng tò mò đã kéo đến xem cái cối máy ấy bởi nó có hình dáng hơi giống khẩu đại bác thật.

Phơi sợi chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cái cối máy giã nhanh gấp mấy lần giã thủ công bằng tay người, thu được nhiều bông hơn hẳn. Số bông đó được anh Dũng đem đi cào, thuê dệt thành tấm vải chuối rồi mang về xưởng trưng bày. Khi bà Thanh sờ vào mới kêu lên một cách sảng khoái rằng: “Ối giời ơi, nó mềm mại và mát lạnh quá. Nếu được mặc cái áo may từ vải này chắc sướng phải biết, trẻ ra đến mấy tuổi ấy chú nhỉ”. Nhưng khi biết được giá của nó tới 4 triệu đồng/m2 thì bà giật mình, rụt tay lại như phải bỏng. Anh Dũng liền động viên: “Chị cứ chịu khó làm đi rồi có ngày sẽ được mặc áo vải chuối…".

Musa Pacta là công ty đang sở hữu bằng độc quyền giải pháp hữu ích sản xuất sợi từ thân cây chuối. Công ty được thành lập tháng 9 năm 2019, hiện có hơn 10 xưởng sản xuất sợi chuối quy mô nhỏ ở Hà Nội, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ… tại ngay các vùng nguyên liệu tự nhiên, tạo sinh kế cho nhiều hộ dân. Khi các HTX, cá nhân có nhu cầu sản xuất sợi chuối, Công ty sẽ cung cấp thiết bị, công nghệ và bao tiêu sản phẩm.


Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)

Tag: xã Khai Thái; Phú Xuyên; Hà Nội; kéo sợi chuối;
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE