Sửa luật để kiểm soát tốt hơn an toàn thực phẩm
30/08/2024 - Lượt xem: 2
Bộ Y tế đang đề nghị sửa đổi toàn diện Luật An toàn thực phẩm (ATTP), với nhiều nhóm chính sách mới, nhằm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn từ 2011 đến nay, để quản lý ATTP, đã có trên 250 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương ban hành. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP chưa đồng bộ, chưa cập nhật kịp thời, gây khó khăn, tạo lỗ hổng trong quản lý.
Việc phân công, phân cấp cho nhiều bộ, ngành song song với Ủy ban nhân dân các cấp cùng quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dẫn đến chồng chéo trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc kiểm soát an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc thực phẩm đa dạng.
“Chương trình giám sát ATTP còn chưa thực hiện bài bản nên việc đánh giá rủi ro về ATTP trong quản lý còn nhiều hạn chế. Hoạt động quản lý ATTP ở một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được chặt chẽ; thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại, thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường”, Bộ Y tế cho biết.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát ATTP, ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn tại các khu công nghiệp, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tuy đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tình trạng kinh doanh, quảng cáo một số mặt hàng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật qua mạng xã hội đang diễn biến phức tạp, vì vậy khó kiểm soát, quản lý ATTP.
Hoạt động quản lý ATTP ở cấp xã, phường cũng chưa thật sự được quan tâm đúng mức; đặc biệt là quản lý sử dụng hoá chất bị cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm ở các đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố và ATTP tại các chợ, vệ sinh thú y trong giết mổ; chưa kiểm soát, ngăn chặn triệt để các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn...
Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đề xuất một số nhóm chính sách sửa đổi Luật ATTP. Nhóm chính sách thứ nhất là các chính sách quản lý đối với các sản phẩm thực phẩm, trong đó tập trung vào các vấn đề về đăng ký và công bố sản phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước và quản lý các sản phẩm phải kiểm soát đặc biệt.
Trong đó, quy định rõ phương thức kiểm tra đối với từng danh mục hàng hóa giúp tối ưu hóa quy trình kiểm soát chất lượng và ATTP, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Các phương thức kiểm tra được áp dụng dựa trên mức độ rủi ro, loại sản phẩm, và hồ sơ của doanh nghiệp, từ đó, đảm bảo rằng, các sản phẩm thực phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn.
Quy định chi tiết giúp xác định các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, giúp doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu chất lượng cần thiết. Với các quy định rõ ràng, các cơ quan quản lý có thể thực hiện công việc giám sát và kiểm tra một cách phù hợp và tăng cường hiệu quả thực thi trong công tác kiểm tra nhà nước về ATTP.
Nhóm chính sách thứ hai là quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cụ thể, quy định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương đối với: Thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho mục đích y tế đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; thực phẩm bổ sung (sữa công thức dành cho trẻ nhỏ, người già) hoặc bổ sung áp dụng hệ thống quản lý chất lượng GMP đối với thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho mục đích y tế đặc biệt.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ sở nhập khẩu hoặc kinh doanh những nhóm sản phẩm có mức độ rủi ro cao nêu trên bắt buộc phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đáng quan tâm, Bộ Y tế đề xuất bộ máy quản lý nhà nước về ATTP được tổ chức thành 1 cơ quan (quy mô Tổng cục) thuộc một trong các Bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương). Bộ máy này được tổ chức tập trung thống nhất (tương tự như cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội, Quản lý thị trường…) từ Trung ương đến địa phương (do lĩnh vực ATTP liên quan đến nhiều bộ ngành quản lý).
Theo Bộ Y tế: “Các đơn vị quản lý ATTP hiện nay của các Bộ nhập thành cơ quan này để tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, giảm tối đa chi phí và xáo trộn trong sắp xếp tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả”.
Vấn đề ATTP cũng được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ vừa tổ chức. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho biết, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nông, thủy sản là yêu cầu bắt buộc ngày càng cao khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa thực sự được quan tâm đầy đủ của người nông dân, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm gì để tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam?
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ATTP là một chuỗi, phải sạch từ nông trại cho tới bàn ăn, tới người tiêu dùng. Mỗi khâu đảm nhiệm khác nhau, có thể sạch từ nông trại, nhưng chưa chắc ra tới thị trường sẽ sạch, vì còn thu hoạch, còn bảo quản, còn chế biến...
Với một nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, với những chợ cóc, chợ tạm... Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức và giám sát, chế tài, nhất là câu chuyện để cho bà con nông dân hiểu phải là người sản xuất có trách nhiệm, những người sản xuất tử tế, các doanh nghiệp cũng không vì những lợi nhuận mà đánh đổi giữa sức khỏe, trước tiên là sức khỏe của người tiêu dùng ở trong nước, sau đó là hình ảnh của nông sản quốc gia...
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông - lâm - thủy sản, xử phạt hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng. Ngành Công Thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng... Toàn quốc cũng ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34.500 cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông - lâm - thủy sản, xử phạt hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng. Ngành Công Thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng... Toàn quốc cũng ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong.
Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: theo Báo LĐTĐ)
Các tin tức khác