Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 75044
Tổng lượt truy cập: 11,409,913

Sơn La: Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản địa phương

25/10/2024 - Lượt xem: 10

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương, tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tại xã Tà Xùa, huyện vùng cao Bắc Yên, có khoảng 300 ha cây chè shan tuyết, trong đó, khoảng 40 ha cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi được trồng ở độ cao trung bình trên 1.500 m so với mực nước biển. Nơi đây, thời tiết sương mù quanh năm, độ ẩm không khí cao, tạo ra hương vị riêng biệt của chè shan tuyết Tà Xùa vị ngọt thanh, ít chát.
Năm 2017, sản phẩm “Chè Tà Xùa - Bắc Yên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa”, UBND huyện Bắc Yên đã công bố và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Tà Xùa” cho Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, mở ra cơ hội phát triển thương hiệu chè shan tuyết. Đồng thời, bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Hiện nay, công ty liên kết với HTX Nông nghiệp và Chè Tà Xùa, đăng ký và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 30 ha chè, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và ổn định cho xưởng chế biến. Mỗi năm, Công ty thu mua khoảng 50 tấn chè búp tươi và chế biến thành hơn 10 tấn sản phẩm đa dạng, như: Trà viên, trà trúc, trà mây, trà túi lọc... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Còn huyện Yên Châu, tự hào có quả xoài tròn là sản phẩm nông sản được đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài. Xoài tròn có màu vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Hiện nay, toàn huyện trồng gần 600 ha xoài tròn, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm. Năm 2012, xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu” với diện tích xoài trồng ở 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt. Đặc biệt, từ tháng 7/2020, xoài tròn Yên Châu chính thức được bảo hộ tại thị trường châu Âu, mở ra cơ hội xuất khẩu.
HTX Nông nghiệp Xuân Tiến, bản Sai, xã Sập Vạt sở hữu 60 ha xoài tròn nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý "Xoài tròn Yên Châu". Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX, phấn khởi nói: Kể từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý, xoài tròn Yên Châu đã khẳng định thương hiệu riêng, được khách hàng và các đối tác xuất khẩu biết đến nhiều hơn, nhờ đó giá trị sản phẩm tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập các thành viên HTX, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Không dừng lại ở việc bán xoài quả tươi, HTX đầu tư sản xuất "Xoài sấy dẻo" và đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Từ 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai 36 nhiệm vụ xây dựng và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ. Tiêu biểu các sản phẩm: Cà phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn của huyện Yên Châu; chè Tà Xùa Bắc Yên, mật ong Sơn La, khoai sọ Thuận Châu... và 23 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu và xoài tròn Yên Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan và châu Âu.
Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đang cùng các cơ quan liên quan xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, như: Dứa, mắc ca, hồng giòn Mộc Châu, gạo nếp tan Ngọc Chiến, dâu tây và măng Vân Hồ... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là những sản phẩm đã hoặc đang được bảo hộ sở hữu trí tuệ, như: Tuyển chọn cà phê giống năng suất cao, nâng cao năng suất và chất lượng phục vụ xuất khẩu; xây dựng mô hình trồng bơ theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất bền vững, xử lý ra hoa trái vụ đối với nhãn Sơn La...
Ngoài ra, tỉnh tập trung hỗ trợ các HTX tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ sơ chế, chế biến và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá nông sản an toàn bằng nhiều hình thức: Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; giới thiệu sản phẩm tại các phiên chợ; kết hợp quảng bá với du lịch trải nghiệm.
Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản địa phương chính là "chìa khóa" để nâng tầm giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý nhãn hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, đưa nông sản Sơn La vươn xa hơn nữa, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Tổng hợp: Anh Cương (Nguồn: Theo Báo Sơn La)

Tag: Sơn La: Xây dựng thương hiệu nhãn hiệu sản phẩm nông sản địa phương
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 75044
Tổng lượt truy cập: 11,409,913