Quảng Ninh: Nông dân 4.0
25/08/2024 - Lượt xem: 7
Chủ động bắt nhịp và ứng dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, những nông dân thời công nghệ 4.0 đã thay đổi tư duy, cách làm để tiếp cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh. Cũng từ sự trợ lực của cánh tay công nghệ, nhiều nông sản của Quảng Ninh ngày càng vươn xa, khẳng định thương hiệu trên thị trường và mang lại thu nhập khá cho người nông dân.
Mùa vải chín sớm năm nay, những hộ dân trồng vải phường Phương Nam (TP Uông Bí) đã bắt tay với một số người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội chuyên review về nông sản để livestream, quảng bá, bán vải chín sớm. Hướng đi này nhận được sự phản hồi tích cực khi trong vòng 20 ngày, 100% sản lượng vải chín sớm Phương Nam của các hộ dân đã được tiêu thụ với giá bán trung bình 38.000 đồng/kg, đạt tổng doanh thu gần 61 tỷ đồng, tăng 10,8 tỷ đồng so với năm 2023.
Ông Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam, chia sẻ: Đối với người nông dân, kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử thực sự là hướng đi rất mới mẻ, nhưng có thể thấy được tiềm năng và thế mạnh của nó. Năm nay, nhờ việc livestream mà quả vải chín sớm Phương Nam được người dân trong và ngoài nước, nhất là những người trẻ biết đến nhiều hơn. Giá trị kinh tế cũng hiệu quả hơn, mỗi cân vải có thể bán được từ 50.000-60.000 đồng, trong khi bán theo hình thức truyền thống thường là từ 35.000-40.000 đồng/kg.
Livestream bán hàng hay khai thác các nền tảng mạng xã hội để mở rộng đầu ra cho nông sản cũng đang là lựa chọn của nhiều người làm nông nghiệp Quảng Ninh trong thời buổi công nghệ số. Chị Nguyễn Thị Thu Thương, chủ Cơ sở sản xuất ruốc tép Long Thương (TX Quảng Yên) cho biết: Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống như giao hàng vào các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua facebook, zalo, tiktok và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó kinh doanh thuận lợi hơn, thương hiệu được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và sử dụng nhiều hơn. Hiện mỗi năm cơ sở đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Còn với cơ sở sản xuất nước mắm sá sùng của anh Phan Mạnh (TP Hạ Long), việc livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng tiktok, facebook được anh thực hiện thường xuyên. “Ngoài việc livestream bán hàng, tôi cũng đăng tải các video về quy trình chế biến, sản xuất các sản phẩm mắm sá sùng. Các bài đăng nhận được rất nhiều lượt tương tác, nhờ đó, bạn hàng cũng ngày càng nhiều hơn” - Anh Phan Mạnh cho biết.
Đặc biệt, nhiều nông dân cũng đã mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào tối ưu hóa quá trình canh tác, nâng cao năng suất, giá trị nông sản.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) không cần thiết phải có mặt tại trang trại của mình mà vẫn có thể nắm rõ tình hình chăn nuôi. Việc vận hành trang trại 3,5ha với trên 15.000 con gia cầm đã thuận lợi hơn rất nhiều nhờ áp dụng chuyển đổi số. Thời gian còn lại ông Cường dành cho việc nghiên cứu thị trường, kết nối bạn hàng và hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai.
Ông Cường chia sẻ: Trang trại được lắp đặt hệ thống điều khiển, tự động hóa như máy cho ăn tự động, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi... Các thông số về độ ẩm, môi trường, ánh sáng, nhiệt độ sẽ được giám sát và kiểm soát ngay trên điện thoại thông minh. Dù ở không gian, thời gian nào, tôi cũng nắm rõ tình hình sản xuất thực tế, có thể trực tiếp điều chỉnh thông qua các mã lệnh được cài đặt trên ứng dụng, qua đó xử lý những tình huống phát sinh. Làm nông nghiệp bây giờ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
Còn với gia đình ông Nguyễn Văn Cử (xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà), việc đầu tư hệ thống tưới tiêu tiết kiệm đã hỗ trợ rất nhiều cho gia đình ông trong việc chăm sóc chè. Với 6.000m2 chè Ngọc Thúy, ông mạnh dạn đầu tư lắp đặt 6 trụ tưới tiết kiệm. Các trụ này sẽ tự động quay và tưới phun xung quanh trên cơ sở tận dụng nguồn nước sẵn có của gia đình. Ông Cử cho biết: Từ khi ứng dụng mô hình, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch được 7 lứa chè, tăng 1 lứa so với trước đây. Tổng sản lượng chè ước đạt 20 tấn/năm, cho doanh thu hơn 100 triệu đồng. Thời gian tưới nước cũng giảm từ 12 tiếng xuống còn 30 phút mỗi ngày; so với tưới tràn trước kia, mô hình này đã tiết kiệm được tới 60% lượng nước.
Công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có nông nghiệp và nông dân. Tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là "chìa khóa" quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Từ những lợi ích của chuyển đổi số mang lại, thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khích lệ nông dân, chủ cơ sở sản xuất, HTX đổi mới, đầu tư công nghệ, bắt nhịp với kỷ nguyên số. Đơn cử như Hội Nông dân các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức, hành động về chuyển đổi số trong nông dân. Cụ thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp cho nông dân; hướng dẫn hội viên Hội Nông dân trong việc tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Toàn tỉnh cũng đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn và 1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Với nhiều nỗ lực và cách làm linh hoạt, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ người dân, giúp lan toả công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đồng thời đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn tỉnh.
Hay như Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX Đông Triều. Nhằm khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tháng 4 năm nay, đơn vị này đã tổ chức trình diễn sử dụng thiết bị bay không người lái vào phun thuốc trừ sâu tại cánh đồng sản xuất lúa tập trung 7,5ha của 56 hộ dân thôn Đồng Ý. Buổi trình diễn đã thu hút được nhiều hộ dân tham quan.
Theo ông Bùi Văn Hanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX Đông Triều: Việc phun thuốc trừ sâu trên lúa bằng thiết bị máy bay không người lái có ưu điểm là độ phân tán hạt thuốc đều, thời gian phun ngắn, chỉ khoảng 10-15 phút/ha cây trồng, có thể phun diện tích lớn, phun tập trung và sẽ tiết kiệm được 30% lượng thuốc và 90% lượng nước so với phương thức thủ công và đảm bảo an toàn cho người nông dân do không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phun thuốc. Việc sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho các cánh đồng đã được Đông Triều triển khai từ năm 2021 đến nay. Hiện Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã đã phổ biến kỹ thuật này đến các hộ dân của 20 xã, phường trên địa bàn. Đây cũng đang là một hướng đi trên hành trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp thị xã.
Các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế. Chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung... Số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không ngừng tăng. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác, trên 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất và trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...
Hiện tại, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng đang đặt mục tiêu phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
“Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển đổi mô hình sản xuất giúp người nông dân tiếp cận khoa học công nghệ trong sản xuất. Người nông dân cũng cần thay đổi tư duy, chủ động bắt nhịp với xu thế chung của thế giới để thay đổi phương thức sản xuất, canh tác, nhằm nâng cao giá trị nông sản, từng bước đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững” - Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo Báo Quảng Ninh)
Các tin tức khác