Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 35446
Tổng lượt truy cập: 15,526,482

Phát triển chương trình OCOP gắn với du lịch nông thôn

10/12/2024 - Lượt xem: 6

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đề ra chủ trương, xây dựng chính sách để phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó bước đầu đã tạo nên những điểm đến du lịch, thay đổi diện mạo nông thôn.

Từ sự khuyến khích, hỗ trợ, động viên, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhiều thôn, bản trước đây chỉ làm nông nghiệp nay đã mạnh dạn triển khai làm du lịch. Thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động sinh hoạt, sản xuất... gắn với du lịch cộng đồng.

Thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn có điều kiện tự nhiên đa dạng, sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như phát triển các sản phẩm OCOP. Sau một thời gian tích cực triển khai, Chè Phiêng An sản phẩm của Tổ hợp tác nông sản sạch Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của vùng đất Phiêng An, từ những năm 2000, cây chè được mở rộng diện tích trở thành cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của bà con Phiêng An. Đến nay, toàn thôn Phiêng An có 23 hộ dân, trong đó có hơn một nửa số hộ trồng chè với diện tích 5 ha.

Hay tại huyện Bạch Thông có nhiều lợi thế về phát triển du lịch khi sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cộng với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Xã đang tập trung khai thác thế mạnh của các điểm di tích lịch sử, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn gắn với du lịch trải nghiệm, hình thành các tour du lịch lịch sử, tâm linh, trải nghiệm trên địa bàn; tập trung thu hút đầu tư các điểm du lịch sinh thái đã được phê duyệt chủ trương, lập dự án đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch. Bình quân, mỗi năm huyện thu hút hơn 2.000 lượt khách du lịch ghé thăm. Chính vì vậy việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang được huyện chú trọng. Trong năm 2023, huyện Bạch Thông có 18 sản phẩm đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm mới và 1 sản phẩm OCOP đến hạn đánh giá lại.

Kết nối quảng bá sản phẩm

Để thu hút khách du lịch đến với Bắc Kạn, việc kết nối quảng bá sản phẩm OCOP và các nông sản của địa phương đang được các cấp, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thúc đẩy. Hoạt động lồng ghép này vừa giúp phát triển ngành du lịch, vừa tạo đà cho các sản phẩm OCOP vươn xa.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bắc Kạn. Trong 06 tháng đầu năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức lồng ghép 01 lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, truyền dạy nghề dệt thủ công truyền thống cho người dân tại điểm đến du lịch cộng đồng thôn Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tham gia lớp học có 15 học viên (người dân trong thôn), qua lớp tập người dân đã nhận thức được công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch ở địa phương tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đặc biệt là khai thác tối đa tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP.

Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn, hiện nay toàn tỉnh có 221 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 4 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao, 199 sản phẩm 3 sao. Với mong muốn đưa sản phẩm OCOP vươn xa, thời gian qua tỉnh đã tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Tham gia Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản tại NovaWorld Phan Thiết tại phố đi bộ Miami, Nova World Phan Thiết, Bình Thuận; tham gia Hội chợ Công Thương vùng Tây Bắc - Điện Biên năm 2024; tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội; Chương trình “Ngày Hội hàng hóa vì người tiêu dùng năm 2024”.

Gần đây nhất, Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc năm 2024 tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn từ ngày 24 - 28/8/2024 là điều kiện thuận lợi để các tỉnh trong vùng có cơ hội giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương. Nhiều mặt hàng đặc trưng, đặc hữu của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bắc Kạn như: Măng khô, miến, tinh bột nghệ, trà hoa vàng, lạp sườn, thịt lợn hun khói… được người tiêu dùng lựa chọn.

Đây là những hoạt động có ý nghĩa, nhằm liên kết phát triển du lịch vùng miền, mở rộng thị trường kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Hướng đi này đang quảng bá tốt cho du lịch và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương ra thị trường ngoài tỉnh.

Khánh Chi (Theo TC Làng nghề Việt)

 

 


Tổng hợp: (Nguồn: )

Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 35446
Tổng lượt truy cập: 15,526,482