Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 7701
Tổng lượt truy cập: 2,901,137

OCOP 5 sao cấp Quốc gia "gọi tên" sản phẩm của các nữ doanh nhân

18/07/2023 - Lượt xem: 345

Các nữ doanh nhân có sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia

Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 22 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, trong đó có sản phẩm tiêu biểu của các nữ doanh nhân.

Sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được chứng nhận 5 sao OCOP vào ngày 17/7, là niềm tự hào của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ). Đây là ý tưởng được nghệ nhân Phan Thị Thuận ấp ủ trong nhiều năm, để sắp xếp cho những con tằm tự dệt tơ. Sản phẩm độc đáo bởi sự kỳ công, sự sáng tạo và chất lượng của những chiếc chăn bông tơi xốp tự nhiên, nhẹ và ấm áp. 

"Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao và mong muốn nghệ nhân chia sẻ bí quyết để nhân rộng kỹ thuật sản xuất cho người dân các địa phương khác của cả nước.

Có tên trong danh sách 22 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia năm 2022 là hai sản phẩm mật hoa dừa và đường hoa dừa của chị Thạch Thị Chal Thi (Công ty TNHH Trà Vinh Farm). Mật hoa dừa là sản phẩm được cô đặc từ tinh chất thu được từ hoa dừa, chi vị ngọt thuận tự nhiên. Vốn là Thạc sỹ ngành Công nghệ thực phẩm tại Đại Học Bách Khoa, cô gái Khmer Trà Vinh Thạch Thị Chal Thi mong muốn tạo nên một nền nông nghiệp hạnh phúc, nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện sinh kế cho nông hộ trồng dừa tại Trà Vinh và tạo ra chuỗi sản phẩm đem đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan (đứng thứ 8 từ trái sang), Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (đứng thứ 6 từ phải sang) và các chủ thể được chứng nhận có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Trước đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) của do bà Hà Thị Vinh do bà Hà Thị Vinh làm Tổng giám đốc cũng đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Đó là "Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ", "Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen", "Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng" và "Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen".

Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao

Thông tin này đã được khẳng định trong Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tính đến 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Cụ thể: có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận). Có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước); vùng miền núi phía Bắc (chiếm 19,8) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 18,4%).

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thúc đẩy sự sáng tạo, vươn lên của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế, đặc biệt ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Kết quả sau 5 năm triển khai cho thấy, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao, như: ở miền núi Bắc Trung Bộ lên đến 50,6%, miền núi phía Bắc là 43,4% và Tây Nguyên là 45,2%.

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

Ở các cấp Hội phụ nữ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo cho hội viên…

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy  cho hội viên phụ nữ về Chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, lợi thế về vùng nguyên liệu địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP,... cũng được triển khai tại tất cả các cấp Hội.

Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị", gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Từ đó hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Tiêu biểu có thể kể đến như: sản phẩm trà Phìn Hồ mang hương sắc, văn hóa của đồng bào người Dao ở vùng núi Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; sản phẩm từ sen - thể hiện những giá trị về văn hóa, con người xứ sở sen Hồng tỉnh Đồng Tháp. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công.


Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: theo báo Phụ nữ việt nam)

Tag: OCOP 5 sao cấp Quốc gia "gọi tên" sản phẩm của các nữ doanh nhân
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE