Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1454
Tổng lượt truy cập: 2,905,771

Nông nghiệp Hà Nội thay đổi nhờ tư duy sản xuất hàng hóa

19/12/2023 - Lượt xem: 47

Ngành nông nghiệp của TP Hà Nội thời gian gần đây đã thay đổi hẳn theo hướng tư duy sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng chuyên canh lớn, giá trị kinh tế cao.

Điều đó thể hiện rõ nét qua việc chính quyền các huyện, quận thời gian qua đã tích cực dồn điền đổi thửa tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, đảm bảo số lượng nhiều, chất lượng đồng đều và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy mà hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với kiểu sản xuất manh mún, nông hộ, chạy theo sản lượng trước đây.

Để đẩy mạnh hơn xu hướng này, Hà Nội mới đây còn quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn trên địa bàn gồm: 15 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa Nhật Japonica chuyên canh với diện tích trên 53.000ha; 18 vùng sản xuất rau chuyên canh với diện tích trên 7.000ha; 19 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, chuyên canh với diện tích trên 13.400ha; 17 vùng sản xuất hoa - cây cảnh chuyên canh với diện tích trên 3.000ha; 6 vùng sản xuất chè chất lượng cao chuyên canh với diện tích 1.700ha; 10 vùng trồng cây dược liệu với diện tích trên 1.100ha; nhiều vùng trồng cỏ voi hay ngô sinh khối làm nguyên liệu thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi trâu, bò chuyên canh với diện tích hàng ngàn ha…

Thành phố sẽ căn cứ vào quy hoạch, định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh này để có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Còn ở cấp cơ sở, các quận, huyện, thị xã cũng căn cứ vào quy hoạch, định hướng chung đó mà có quy hoạch, định hướng riêng cho mình, trên cơ sở khuyến khích hình thành các vùng, khu sản xuất tập trung xa khu dân cư, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững. Đây là tiền đề thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cũng như tạo lực hút mạnh hơn cho những doanh nghiệp lớn tham gia vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản.

Không phải đợi đến khi thành phố có quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp mà thực tế nhiều địa phương đã chủ động trong việc này. Câu chuyện ở về việc hình thành vùng chuyên canh rau với diện tích trên 220 ha rau, sản lượng hàng năm đạt trên 30.000 tấn ở xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là một ví dụ. Ở đó, gắn liền với vai trò của một HTX đóng vai trò đầu tàu và một chính quyền cơ sở luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống mà có những hành động hỗ trợ cụ thể.

HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ Nông nghiệp Văn Đức cũng là mô hình HTX nông nghiệp kiểu cũ chuyển đổi sang kiểu mới vào năm 2016 với đầy những khó khăn, thách thức mà đặc biệt là gần 1.100 xã viên trước đây đã đồng loạt bỏ, chỉ có 145 hộ góp vốn, tham gia với mức 1 triệu/hộ. Không trụ sở, không nhà kho, tài sản của HTX cũ để lại chẳng có gì ngoài đống máy móc đã hết hạn sử dụng từ lâu. Nhưng Ban quản trị của HTX không chấp nhận hoạt động kiểu “bình cũ, rượu mới” một cách hình thức mà yên thân. Họ quyết định đem cả sổ đỏ của gia đình ra thế chấp để cho HTX hoạt động được, mỗi người vay 500 triệu đồng, trong đó có anh Nguyễn Văn Minh- Giám đốc HTX.

Khi có vốn rồi, HTX bàn với các thành viên thống nhất trong việc cùng áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn chuẩn VietGAP để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm được ổn định. Tận dụng lợi thế vùng bãi sông Hồng rất màu mỡ, các thành viên đầu tư vốn, kỹ thuật vào sản xuất nhiều loại rau màu ngoài trời cũng như trong nhà lưới. Về đầu ra HTX đã chủ động liên kết với một số công ty, hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Metro...

Cùng với đó, HTX tổ chức các buổi tham quan cho khách hàng để họ biết được về quy trình sản xuất của các thành viên đang thực hiện VietGAP thế nào. Sau những chuyến tham quan đó, hầu hết khách đều đánh giá quy trình sản xuất ở đây công khai, minh bạch, thể hiện thông qua sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng và sự giám sát chặt chẽ của các tổ nhóm đúng như đã cam kết ban đầu. Nhờ quá trình liên kết với các siêu thị, HTX chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất về diện tích, chủng loại cây trồng, đảm bảo đa dạng về sản phẩm cũng như sản lượng, chất lượng. Cả hai bên đều phải có trách nhiệm giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch.

Những đợt lấy mẫu rau đi phân tích đều cho ra kết quả an toàn, không có dư lượng thuốc BVTV nào quá ngưỡng. Tuy nhiên, để ràng buộc trách nhiệm giữa siêu thị và, các công ty thu mua tiêu thụ rau với HTX và nông dân, về phía siêu thị, công ty phải có hợp đồng cam kết trách nhiệm thu mua hết sản phẩm đã ký, giá cả ổn định, nếu không bao tiêu hết phải bồi thường cho HTX và nông dân theo thỏa thuận, thanh toán tiền đúng thời hạn.

Ngược lại, HTX và nông dân cũng phải chịu trách nhiệm với siêu thị và các đối tác tiêu thụ phải đảm bảo chủng loại theo mùa vụ, chất lượng, sản lượng. Nếu để xảy ra mất an toàn thực phẩm thì HTX, nông dân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cả về tài chính và pháp luật. Qua việc phối hợp và dám chịu trách nhiệm đến cùng này, HTX đã tạo uy tín với khách hàng. Vì vậy đơn vị hàng năm đã cung cấp cho các hệ thống thu mua từ 2.000 - 3.000 tấn rau các loại.

Việc sản xuất theo chuỗi liên kết cho thấy tác dụng và hiệu quả rõ rệt. Về phía HTX và nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, yên tâm về đầu ra, cho thu nhập ổn định, hạn chế được rủi ro được mùa mất giá. Về phía doanh nghiệp tiêu thụ, cũng được lợi là nguồn hàng đều đặn, ít bị biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng.

Không chỉ bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng trong nước, thời gian qua, HTX Văn Đức cũng đã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Hàn Quốc mỗi năm từ 500 - 700 tấn rau với giá trị tăng thêm 20%. Cũng nhờ có sản phẩm xuất khẩu mà HTX được thêm danh tiếng, thêm khách hàng tìm đến, tiêu thụ dễ hơn ở thị trường trong nước.

Câu chuyện trên của xã Văn Đức cũng giống như nhiều vùng chuyển đổi khác như xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), xã Vân Nội (huyện Đông Anh), phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), thị trấn Chúc Sơn xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ)…Từ lâu những địa phương này đã là cái nôi về sản xuất rau, củ an toàn, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thành, mỗi ngày số lượng lên tới cả vài chục tấn sản phẩm. Dù là sản xuất ngoài trời hay trong nhà lưới, dù là VietGAP, GlobalGAP hay hữu cơ nhưng chúng đều đem lại giá trị kinh tế cao hơn sản xuất thông thường 30-50% nhờ chất lượng vượt trội và số lượng đều đặn.

Từ đó mà kích thích các hộ, các thành viên khác tham gia vào mỗi lúc một nhiều, một rộng hơn, tạo thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ như” chuỗi của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Thanh niên Vân Nội (huyện Đông Anh) với diện tích liên kết 120ha; chuỗi của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (huyện Mê Linh) với diện tích liên kết 250ha.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, mang tính hàng hóa của Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của một địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, có quy mô dân số lên tới gần 10 triệu. Một mặt là do quy hoạch đô thị, công nghiệp còn chồng chéo, đan xen và phá vỡ quy hoạch nông nghiệp, đặc biệt trong việc chia cắt thủy lợi, đất đai. Một mặt là do cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tàu, mang tính dẫn dắt đầu tư vào nông nghiệp. Việc thuê đất, tập trung đất còn nhiều khó khăn, phức tạp làm cản trở các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp, khiến cho họ chưa thực sự yên tâm trong sản xuất./.

 

Tổng hợp: Thắng Lợi (Nguồn: Theo Báo NNVN)

Tag: Nông nghiệp Hà Nội thay đổi nhờ tư duy sản xuất hàng hóa
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE