Nguồn vốn cứu tinh của nông dân Hà Nội
30/11/2024 - Lượt xem: 5
Với mức vay tối đa 500 triệu đồng/lần/hộ, Quỹ khuyến nông Hà Nội đã tiếp sức kịp thời cho nhiều hộ nông dân, chủ trang trại trên địa bàn TP được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.
Trang trại của hộ ông Lê Văn Trẻo ở thôn Châu Mai, xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) có quy mô gần 10ha đang nuôi cả nghìn con vịt đẻ và cá thương phẩm. Với hình thức chăn nuôi vịt khép kín kết hợp nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, trung bình mỗi năm, gia đình ông Trẻo bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, thu lãi 700 triệu đồng.
“Với khoản chi phí thức ăn cho hơn 10.000 con vịt đẻ lên đến hàng chục triệu đồng mỗi ngày khiến gia đình không khỏi lo lắng về nguồn vốn đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, gia đình tôi được vay 2 lần từ nguồn vốn Quỹ khuyến nông (mỗi lần 450 triệu đồng). Nhờ có nguồn vốn lớn, lại được giải ngân kịp thời, gia đình làm ăn ngày một khấm khá, hoàn trả nợ đúng thời hạn” - ông Trẻo chia sẻ.
Còn theo anh Bùi Văn Cận ở xã Tân Xã (huyện Thạch Thất), những năm qua, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra của sản phẩm lại bấp bênh. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ khuyến nông Hà Nội, gia đình anh đã nuôi thêm 2.000 con gà thương phẩm (giống gà ta lai mía), mua thức ăn và mở rộng quy mô chuồng trại.
Đánh giá về hiệu quả và sự lan tỏa của Quỹ khuyến nông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, Quỹ khuyến nông đã giúp các hộ trên địa bàn TP mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất quy mô lớn, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Nhờ có nguồn vốn này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Thời gian qua, Quỹ khuyến nông thường dành 15 - 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương.
Trưởng phòng Quản lý Quỹ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Duy Nam cho biết, Quỹ dành để cho vay các khoản vốn lưu động như giống, thức ăn, thuốc thú y, công lao động… trong đó người dân phải đối ứng 50% để tăng thêm tính trách nhiệm.
Để nâng cao hoạt động của Quỹ khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị của ngành nông nghiệp Thủ đô cần phối hợp với chính quyền địa phương tập trung khảo sát nhu cầu vay vốn đối với các vùng sản xuất tập trung, vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, tiến hành thẩm định và giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất của các hộ nông dân.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương
Khi thẩm định phương án vay với chăn nuôi phải xem xét kỹ tài sản thế chấp, nguyện vọng của hộ vay và cả trang trại, nhà kho, địa điểm, trồng cây làm thức ăn cho vật nuôi. Đơn cử, về quy mô chuồng trại, nuôi bò chuồng phải đảm bảo hơn 4m2/con, nuôi lợn chuồng phải đạt hơn 1m2/con, nuôi gà, vịt chuồng phải đạt 10 con/m2. Cùng với đó, phải đáp ứng cơ sở vật chất, đường điện, nước, máng ăn uống… đầy đủ, đúng quy chuẩn.
Trong quá trình sản xuất của những hộ được duyệt vay, cán bộ chuyên quản về quỹ tại các huyện, thị xã phải thường xuyên kiểm tra xem họ sử dụng vốn có đúng mục đích không, nếu sai sẽ phải thu hồi ngay.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất Nguyễn Bùi Hải cho hay, để sử dụng vốn Quỹ khuyến nông đúng mục đích và tránh rủi ro, thất thoát vốn ở mức thấp nhất, cán bộ chuyên quản của trung tâm luôn sát cánh nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các hộ vay vốn trên địa bàn huyện.
Nếu việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích sẽ bị thu hồi vốn vay trước thời hạn và những hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, gặp khó khăn sẽ được xem xét gia hạn trả nợ.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong thời gian tới, Quỹ khuyến nông tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và sẽ ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, phát triển và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất, mô hình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Qua đó, tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân Thủ đô.
Tổng hợp: Thành Nam (Nguồn: Theo Báo KTĐT)
Các tin tức khác