Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Người hồi sinh cho nghề dệt lụa tại Phùng Xá
12/09/2023 - Lượt xem: 1706
Giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề dệt của đất Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng nổi tiếng trong lĩnh vực dệt lụa tơ tằm. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, có những lúc tưởng chừng như mai một nhưng như một duyên định mệnh cùng tình yêu, tâm huyết với nghề trong việc lưu giữ, phát huy truyền thống của cha ông để lại, bà Phan Thị Thuận – một nghệ nhân ứu tú, tài năng đã giúp "hồi sinh" và đem lại sự sống mới cho nghề dệt lụa tại Phùng Xá. Dân làng thường yêu mến gọi bà là người vấn vương với những sợi tơ.
Sự kỳ diệu của sợi tơ và sự sáng tạo của người nghệ nhân
Nhân một ngày trời thu mát mẻ, tôi có dịp ghé thăm thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hỏi thăm đến nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận, vừa bước chân vào cổng tôi đã thấy ấn tượng bởi nụ cười ấm áp của bà, và từ cái nhìn đầu tiên ấy tôi đã cảm nhận được sự đam mê sâu sắc của bà đối với nghề dệt lụa.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề dệt, từ năm 6 tuổi bà đã tham gia phụ giúp gia đình hái dâu, nuôi tằm, chưa có ngày nào bà rời xa nong tằm, nong kén.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn tâm niệm phát huy nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn.
Bà Thuận chia sẻ rằng: Vào những năm 70 của thế kỷ trước, vùng đất này một thời được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy. Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng đến năm 1984, dâu tằm bị “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề.
Vì vấn vương với những sợi tơ, thương con tằm "không nơi nương tựa", bà đi xin lá dâu ngoài bờ bụi, rồi đạp xe lên tận Hòa Bình để gom lá dâu về nuôi tằm, giữ gìn nghiệp tổ. Xã hội phát triển, sản phẩm lụa tơ tằm được ưa chuộng, làng nghề dần khôi phục. Nhưng chưa kịp mừng vui, bà và dân làng lại đau đầu tìm đầu ra cho sản phẩm, cải thiện chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường bởi nhiều người trồng dâu nuôi tằm, giá rớt, có lúc bán không ai mua.
Không thể đứng im nhìn con tằm chết yểu, bà Thuận quyết đi tìm đầu ra cho tơ tằm. Lúc đầu bà tìm đến các làng nghề, rồi tìm hiểu đầu ra, cùng họ hợp tác. "Song cách này cũng khó có thể lâu dài được. Trong lúc bế tắc đó tôi chợt nghĩ mình đã trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ thì tại sao không làm thành một quy trình sản xuất khép kín, để tằm tự dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ?", bà Thuận nói.
Bà Thuận chia sẻ: "Nghĩ là làm, ngày đêm tôi mày mò bên những nong tằm, huấn luyện, điều khiển chúng dệt lụa. Bước đầu thử nghiệm tôi không làm tổ cho tằm mà để chúng nhả tơ một cách tự do. Vài chục con tằm do không có nơi bấu víu nên không thể cuộn tròn lại để cuốn kén, mà cứ bò lung tung theo bản năng. Lúc này tôi lại phải bắt vào, sắp xếp chúng thành hàng lối. Ngày đêm, tôi quên ăn quên ngủ trông coi, quan sát lứa tằm rút ruột nhả tơ".
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - người hồi sinh cho nghề dệt lụa tại Phùng Xá, huyện Mỹ Đức.
Được biết, mất hơn 01 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên cũng đã hoàn thành. Bà Thuận đưa vào nồi đun nấu, tấm chăn bung nở bóng mịn, ấm áp đến lạ thường. "Lúc đó tôi ôm lấy tấm chăn đó, trong lòng trào dâng niềm hạnh phúc", bà Thuận bâng khuâng nhớ lại.
Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: Chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015. Đặc biệt hơn, đầu năm 2023 bà Thuận đã có sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương công nhận đạt 5 sao.
Nhiều mặt hàng chất lượng cao cũng ra đời như gối, khăn, áo và gần đây nhất là khẩu trang kháng khuẩn, phòng dịch Covid-19 được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt và có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật, Đức, Saudi Arabia...
Người mang quốc hoa dệt thành lụa
“Từ lâu nay, tôi luôn ấp ủ trong mình dự định về một loại tơ mới. Trong một lần đi hái sen, tình cờ khi cắt cuống hoa thấy những sợi tơ dài trắng muốt níu lấy thân cây, tôi nảy ra ý tưởng sẽ dệt những sợi tơ này thành lụa”, bà Thuận kể lại.
Năm 2016, có đại biểu Quốc hội về Mỹ Đức tìm người cùng tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Bà Thuận vừa mừng vừa lo, vì đây chính là cơ hội cho bà thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của "quốc hoa" vào từng tấm lụa. Tuy nhiên, bà cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng vì sen không phải mùa nào cũng có và để lấy được tơ sen là một quá trình khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mẩn, khéo léo và mất rất nhiều tâm sức.
Với những đóng góp của mình với nghề truyền thống, năm 2016 bà Phan Thị Thuận được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú", Bằng khen của UBND TP. Hà Nội.
Sản phẩm khăn lụa tơ tằm, chăn bông tơ tằm tự dệt và khăn lụa tơ sen của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Những ngày đầu mày mò làm tơ sen khó khăn lắm. Tơ sen mong manh, se được sợi rồi nhưng khi đưa vào khung dệt đứt liên lục, bởi sợi thuần từ thực vật không có cái dai dẻo như tơ tằm. Nhưng với quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý biểu tượng của dân tộc, đến hết năm 2017, Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được Nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS. Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người cùng thực hiện đề tài.
Cả năm trời tỉ mẩn, đến năm 2018 thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen ra đời và chiếc khăn tơ sen đầu tiên cũng được dệt thành công (từ 4.800 cuống sen, có độ dài 1,7m, rộng 0,25m). Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được khoảng 200-250 cuống sen. Như vậy, mỗi sản phẩm cần đến hơn một tháng trời mới hoàn thành.
Tuy kỳ công, vất vả nhưng sản phẩm ra đời lại mang đến cho bà niềm vui bất tận. Bà Thuận chia sẻ với chúng tôi rằng: Tơ sen lớn lên từ lòng đất, ngậm hạt mưa từ bầu trời để phát triển. Do đó, khăn không chỉ mềm mại mà khi đeo khăn tơ sen có thể cảm nhận được hương vị âm hưởng đất trời gợi đến đầm sen quê hương.
Chia sẻ về nguyện vọng đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, người Nghệ nhân ưu tú cho biết: "Tôi từng được Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho xem các sản phẩm tơ sen của Myanmar và Campuchia, thì sản phẩm của Việt Nam đang ở loại đẹp và kỳ công nhất. Vì sợi tơ sen của Việt Nam được làm ra chỉ thêu để hình thành sản phẩm.
Do đó, tôi mong muốn Nhà nước có các chương trình để tôn vinh hoặc nghiên cứu phát triển nghề truyền thống từ cây sen, tạo ra một thương hiệu riêng cho tơ sen Việt Nam khoe sắc trên sân chơi quốc tế".
Nghệ nhân Phan Thị Thuận truyền dạy nghề dệt cho thế hệ sau .
Với tâm tư đó, vào dịp hè, Nghệ nhân Phan Thị Thuận lại tổ chức các lớp học nghề cho con em trong vùng, giúp thế hệ tương lai hiểu về nghề của cha ông, tìm ra cách phát triển sợi tơ sen quê hương mình vươn xa nữa cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Có cơ duyên được gặp gỡ và trò chuyện với Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận là một trải nghiệm tuyệt vời, khiến chúng tôi cảm thấy tự hào về những người như bà, người không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn đem lại hy vọng và sự thúc đẩy cho nghệ thuật truyền thống. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã chứng minh rằng với lòng đam mê và tâm huyết, không có gì là không thể.
Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: theo báo thương hiệu và sản phẩm)
Các tin tức khác