Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 19389
Tổng lượt truy cập: 10,113,891

Nghề làm chổi lông gà ở Triều Khúc

30/08/2023 - Lượt xem: 465

Nghề làm chổi lông gà ở làng Triều Khúc(xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) là một nét đẹp văn hoá đặc sắc ở khu vực phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội. Trong sự biến động của nền kinh tế thị trường, làng nghề này đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển…

Làng Triều Khúc thường được biết đến như một ngôi làng “bách nghệ trăm nghề” bởi sự đa dạng của hàng trăm nghề truyền thống như làm nón quai thao, dệt thổ cẩm, làm lông vũ… Trong số đó, nghề làm chổi lông gà là một điểm nhấn của làng nghề này, có lịch sử tồn tại và phát triển đã gần ba thế kỷ.

Thời điểm nghề làm chổi lông gà phát triển hưng thịnh, hễ ai đặt chân đến làng Triều Khúc đều dễ dàng trông thấy hình ảnh người dân nơi đây bận rộn với những chiếc chổi lông gà. Ngày đó, các hộ gia đình tại làng Triều Khúc tập trung, mỗi hộ lần lượt đảm nhận một phần công việc khác nhau từ thu mua lông gà, rửa lông cho đến xâu lông và hoàn thiện thành phẩm… Thậm chí, có hộ còn trở thành tổng đại lý chuyên cung cấp lông gà. Cứ như vậy, các hộ gia đình ở nơi đây dần hình thành nên một “dây chuyền sản xuất” chổi lông gà thủ công. Và nghề làm chổi trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho các hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, giúp xóa đói giảm nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Ngày nay, trước những tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, nghề làm chổi lông gà ở làng Triều Khúc đang dần thu hẹp về quy mô khi số hộ gia đình tiếp tục gắn bó với nghề giảm dần. Ngôi làng từng tấp nập với những hoạt động mua bán chổi lông gà nay đã thưa dần những bóng lưng cặm cụi quấn chổi hay xâu lông. Mặc dù vậy, một số nghệ nhân có truyền thống làm nghề lâu đời trong làng vẫn quyết tâm gìn giữ nghề cha ông để lại.

Anh Nguyễn Huy Thọ - người làm chổi lâu năm tại làng cho hay, công việc làm chổi lông gà tuy vất vả, lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại và khéo léo, nhưng khi nhìn thấy những bó chổi lông gà thành phẩm sau cả một ngày lao động miệt mài, anh cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi đã gắn bó với nghề. Chiếc chổi lông gà đã gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình anh. Vì vậy, anh vẫn luôn tâm huyết để phát triển nghề truyền thống của gia đình, cũng là lưu giữ nghề truyền thống của địa phương.

Có thể nói, những túm lông gà tưởng chỉ là đồ bỏ đi, dưới óc sáng tạo và đôi tay khéo léo của người thợ, nghệ nhân, nó dần trở thành một vật dụng hữu ích và quen thuộc trong đời sống của nhiều gia đình Việt. Chiếc chổi lông gà lau dọn những hoa văn trên chiếc tràng kỷ cũ của ông bà hay phủi sạch bụi bặm trên góc bàn thờ cúng gia tiên…

Phát triển làng nghề trong bối cảnh mới

Trong bối hiện nay, nghề làm chổi long gà Triều Khúc đứng trước những nguy cơ, thách thức lẫn cả những tiềm năng, cơ hội, buộc người làm nghề phải có những hướng đi mới để thích nghi với thị hiếu tiêu dùng.

Hiện chổi lông gà truyền thống đều khó có khả năng cạnh tranh với các loại chổi nhựa hay chổi nilon vừa tiện lợi, vừa rẻ. Tuy chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, những cây chổi lông gà mang thương hiệu Triều Khúc vẫn tìm cho mình thị phần riêng và đối tượng khách hàng riêng trên thị trường. Với nhiều gia đình, cây chổi lông gà tuy bình dị nhưng có một vị trí nhất định trong việc chăm nom khu vực thờ cúng trang nghiêm. Hay đơn giản hơn, việc sở hữu một cây chổi lông gà đặt nơi góc nhà như một lời gợi nhắc cho nhiều người về một giá trị truyền thống đã từng gắn bó qua nhiều thế hệ. Năm 2017, cây chổi lông gà Triều Khúc còn từng được điểm tên trên báo Pháp như đánh dấu sức sống mãnh liệt của loại sản phẩm thủ công này.

Hiện người dân làng nghề đang tích cực tìm hướng đi mới cho sản phẩm chổi lông gà. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoa - một người có thâm niên làm chổi lâu năm trong làng, nếu ngày trước, việc bán chổi chủ yếu theo phương thức thương mại truyền thống, phụ thuộc vào các mối khách quen (số lượng lớn) hoặc buôn bán trực tiếp tại chợ (số lượng nhỏ), thì giờ đây, doanh số kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đã chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng sản phẩm bán ra từng tháng của mặt hàng chổi lông gà. Mặc dù tỉ lệ này chưa cao, nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy việc kinh doanh những mặt hàng thủ công truyền thống như chổi lông gà trên các sàn thương mại điện tử là một hướng đi có triển vọng.

Tuy không còn là thời kỳ hoàng kim nhưng sản phẩm chổi lông gà thủ công vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngoài mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng và giảm giá thành sản phẩm, làng nghề chổi Triều Khúc cần có những phương án khác để đa dạng hoá nguồn thu bên cạnh phương thức buôn bán truyền thống, như hình thành chuỗi cung ứng, đẩy mạnh truyền thông thương hiệu, đặc biệt là phát triển du lịch làng nghề

 

Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Nghề làm chổi lông gà ở Triều Khúc
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 19389
Tổng lượt truy cập: 10,113,891