Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1801
Tổng lượt truy cập: 2,573,906

Nét đẹp văn hóa ngày xuân

20/02/2024 - Lượt xem: 9

Mùa xuân đến, cũng là dịp người dân khắp mọi miền Tổ quốc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và hưởng ứng “Chương trình trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Tại Hà Nội, nhiều năm nay, người dân từ nội thành đến ngoại thành đều tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, chăm sóc rừng. Đó là nét đẹp văn hóa ở Thủ đô mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Vào ngày 28-11-1959, nhân dịp thi đua lập thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước: “Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều”. Theo đó, Người đề nghị 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên ở miền Bắc đều có thể phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và khẳng định nếu làm được như vậy, trong 5 năm từ 1960 đến 1965, “Chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà”. Ngay Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, Bác Hồ phát động “Tết trồng cây” đầu tiên và Người đã cùng nhân dân Thủ đô trồng cây đa ở Công viên hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với nhân dân và cán bộ tham gia lao động, Người căn dặn phải trông nom, chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Bác nói: “Trong 10 năm nữa phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Bác không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây xanh, trồng rừng mà còn chỉ rõ, việc chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý “ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”, và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”. Bác ví rừng là vàng, và căn dặn “phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”, và kêu gọi nhân dân ta: “Phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng... Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.
Làm theo lời Bác dạy, 65 năm qua, nhân dân trong cả nước đã tích cực tham gia phong trào trồng cây xanh và bảo vệ rừng. Toàn dân đã phủ xanh hàng triệu hecta rừng, trồng mới hàng chục nghìn hecta cây ăn quả..., góp phần nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái.
Là địa phương mở đầu phong trào “Tết trồng cây” của cả nước, đến nay, phong trào trồng cây vào dịp đầu xuân ở Hà Nội được triển khai rộng khắp. Hằng năm, mỗi quận, huyện, thị xã trồng mới từ 20.000 đến 50.000 cây xanh các loại. Đặc biệt, ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm trở thành ngày phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Nhân dân tại 7 huyện, thị xã có rừng (Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) tích cực tham gia trồng, chăm sóc và quản lý gần 20.000ha rừng, góp phần tạo ra “lá phổi xanh tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái Thủ đô.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trên nhiều tuyến phố ở khu vực trung tâm đô thị vẫn còn một số khoảng trống chưa được bổ sung cây xanh; nhiều công viên, vườn hoa thiếu thảm cây xanh. Do đó, từ chỉ tiêu được thành phố giao, những năm qua, các quận, huyện đã tính toán việc tăng mật độ cây xanh cho khu vực đô thị, ven trục đường giao thông, khu đất trống... nhằm tạo ra những thảm cây xanh trải từ nội đô ra tới vùng ngoại thành.
Để Hà Nội ngày càng thêm xanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngoài triển khai “Tết trồng cây” đầu xuân, Sở còn tham mưu thành phố Hà Nội xây dựng đề án quy hoạch trồng cây xanh tổng thể, dài hạn, trồng các giống cây lâm nghiệp có chất lượng và cây gỗ lớn, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch số 84/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về trồng cây, trồng rừng giai đoạn 2021 - 2025 tại các huyện, thị xã có rừng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn thành phố đã trồng được hơn 1,5 triệu cây xanh; trồng mới và trồng thay thế được gần 100ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng...
Tiếp nối truyền thống, năm 2024, Thành phố xây dựng kế hoạch trồng 400.000 cây xanh các loại; trồng mới và trồng bổ sung 30 - 40ha rừng, góp phần bảo đảm mật độ cây xanh và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn Thủ đô. Các địa phương phát động “Tết trồng cây” xuân Giáp Thìn từ ngày 15-2 đến ngày 24-2 (mùng 6 đến 15 tháng Giêng). Ngoài ra, phong trào trồng cây, trồng rừng có thể kéo dài trong vụ xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) và vụ thu (từ tháng 8 đến tháng 10) hằng năm.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm, để “Tết trồng cây” năm 2024 có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kế hoạch triển khai trồng cây bài bản. Cụ thể là đa dạng hóa chủng loại, duy trì phát triển cây bản địa, bổ sung giống, loài cây mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, khu vực. Trong đó, khu vực ngoại thành tập trung trồng các loại cây bóng mát kết hợp trồng cây ăn quả như bưởi, nhãn, cam, chanh, mít, xoài, táo. Khu vực nội thành trồng các loại cây xanh đô thị như lát hoa, trám, sao đen, chiêu liêu, bàng lá nhỏ, ban hoàng hậu, muồng hoàng yến...
Hưởng ứng “Tết trồng cây” năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết: “Năm nay, huyện dự kiến trồng 28.400 cây xanh các loại trên các trục đường giao thông, khu di tích lịch sử, sân trường, nơi công cộng. Qua phong trào “Tết trồng cây”, huyện mong muốn cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc về vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Mai Trọng Thái, năm nay, quận chọn trồng những cây khỏe, phù hợp với đô thị nhằm tăng thêm các khoảng xanh, tạo môi trường cảnh quan cho các tuyến phố. Tổ chức tốt phong trào trồng cây sẽ giúp nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường sống; mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư coi việc trồng cây, chăm sóc cây xanh là việc làm thường xuyên.
Năm nay, quận Tây Hồ dự kiến phát động “Tết trồng cây” trên tuyến đường Ao Sen công đoàn (phường Quảng An). Trong ngày phát động (mùng 6 tháng Giêng), quận sẽ trồng 60 cây bàng Đài Loan, đường kính 10 - 12cm, phù hợp với đô thị nhằm tăng thêm các khoảng xanh cho tuyến đường.
Tại Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì, Mỹ Đức..., đi đôi với kế hoạch trồng cây xanh, cây ăn quả, các huyện còn đẩy mạnh việc thực hiện đề án trồng rừng thay thế. Điển hình, huyện Thạch Thất đã chuyển đổi được 42ha rừng keo, bạch đàn giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng sinh thái kết hợp trồng cây ăn quả dưới tán rừng, và dự kiến trồng thay thế 20ha rừng sản xuất. Huyện Quốc Oai trồng 13.000 cây xanh các loại và 10ha rừng sản xuất...


Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo báo HNM)

Tag: Nét đẹp văn hóa ngày xuân
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE