Mê Linh đa dạng hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới
10/12/2024 - Lượt xem: 4
Huyện Mê Linh, TP Hà Nội đã có những sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực vào chương trình xây dựng nông thôn mới
Bà Nguyễn Thị Thanh Tám - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thời gian qua được địa phương triển khai sâu rộng dưới nhiều hình thức, tạo ra những kết quả tích cực. Các xã nông thôn mới nâng cao như Tiến Thịnh, Tam Đồng, Đại Thịnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận dụng các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. 100% trục chính, đường thôn, liên thôn, đường ngõ xóm đều được bê tông hóa; 100% đường giao thông nội đồng được đổ bê tông hoặc cứng hóa; 100% trường đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân 3 xã được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 68 - 70 triệu đồng/người/năm. Trong cuộc về đích nông thôn mới nâng cao ấy xã Tam Đồng có xuất phát điểm thấp nhất bởi đến tận năm 2020 mới về đích nông thôn mới và là địa phương cuối cùng của huyện Mê Linh hoàn thành nhiệm vụ này. Nhưng đến nay xã Tam Đồng đã hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có nhiều tiêu chí đạt ở mức cao như giao thông, giáo dục, y tế…Tuy thuần nông nhưng thu nhập bình quân của xã đã đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm.
Với xã Liên Mạc, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, nông thôn mới nâng cao năm 2022 thì không dừng lại mà tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng tinh thần chương trình số 04 của thành ủy. Địa phương luôn xem công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để thay đổi tư duy từ cán bộ đến nhân dân.
Điểm nhấn đáng chú ý trong huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Liên Mạc là thiết chế hạ tầng văn hoá. Ngoài xây nhà văn hóa ở các thôn xã còn huy động người dân hăng hái đóng góp để xây dựng thêm các điểm sinh hoạt cộng đồng. Đến nay cả 4/4 xóm trong thôn Xa Mạc đều có điểm sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa như người dân, doanh nghiệp đóng góp. Ngoài hỗ trợ tiền xây dựng, nhiều người còn ủng hộ bàn ghế, trang thiết bị, trồng thêm nhiều cây xanh.
Xác định phát triển kinh tế chính là nền móng của nông thôn mới nên xã tạo điều kiện khuyến khích người dân đa dạng hóa nghề nghiệp, đi sâu vào chuyển đổi hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 76 triệu đồng/người/năm. Có được kết quả này một phần là nhờ địa phương này biết huy động các nguồn vốn để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững mà đặc biệt là vốn tín dụng chính sách.
Các chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn... Tính đến nay tổng dư nợ đạt 33.075 triệu đồng với 638 hộ, với 5 chương trình tín dụng chính sách trong đó cho vay nhà ở xã hội theo nghị định 100 là 583 triệu đồng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 10.277 triệu đồng; cho vay giải quyết việc làm 21.919 triệu đồng…
Nguồn vốn chính sách đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng; các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, nhanh chóng. Việc cho vay vốn qua tổ đã làm tăng sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Từ đó nhiều hộ dân tại các thôn trong xã Liên Mạc đã đẩy mạnh đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chế biến, dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập. Phát triển kinh tế hộ gia đình đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương, có tiền của để xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Công tác vệ sinh môi trường, nước sạch cũng được Liên Mạc chú ý để cải thiện sức khỏe, điều kiện sống của nhân dân. Trước kia, nhiều hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hoặc nước bị ô nhiễm do đa số phải tự khoan giếng để sử dụng, dư lượng các chất không có lợi cho sức khỏe còn nhiều. Đến nay, hơn 85% hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh giúp cho sức khỏe của người dân cải thiện thấy rõ.
Không bằng lòng với những gì mình đạt được, xã Liên Mạc xác định trong thời gian tới sẽ phải thực hiện chương trình số 04 của thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" một cách sáng tạo hơn.
Thanh Nam (Theo Báo NNVN)
Tổng hợp: (Nguồn: )
Các tin tức khác