Liên kết tiêu thụ giúp thúc đẩy nguồn cung nông sản cho Thủ đô
15/08/2024 - Lượt xem: 5
Với khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hàng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế thăm quan, làm việc... nên nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội là rất lớn. Điều này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của Thủ đô cũng như các vùng, miền trong cả nước.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng thiết yếu của thành phố Hà Nội trung bình mỗi tháng sẽ rơi vào khoảng 99,45 nghìn tấn gạo, thịt lợn khoảng 19,89 nghìn tấn, thịt bò khoảng 5.350 tấn, thịt gà khoảng 6,63 nghìn tấn, trứng gia cầm khoảng 132 triệu quả, thủy sản khoảng 19,2 nghìn tấn, rau củ khoảng 110,5 nghìn tấn… Nhu cầu trong các tháng dịp Tết tăng thêm tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, thủy sản, rau, củ quả trái cây, nông sản khô…
Với diện tích đất nông nghiệp khoảng 189 nghìn ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên các sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất mới chỉ đáp ứng từ 20 - 70% nhu cầu. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.
Vì vậy, để đáp ứng nguồn cung hàng hóa nông sản cho thị trường Hà Nội phải đảm bảo từ việc Hà Nội tự sản xuất, phân phối; từ các tỉnh, thành phố cung cấp và từ nguồn nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, đối với nguồn tự sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố đã gieo cấy lúa vụ Đông Xuân đạt 129.171 ha (đạt 98,87% so với cùng kỳ năm trước), ngô, lạc, đậu tương có diện tích tương đương năm 2023. Như vậy từ giờ đến cuối năm, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng nhiều như gạo, rau vẫn cơ bản đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, một số sản phẩm trái cây của Hà Nội có nguồn cung dồi dào như Bưởi Diễn, chuối, ổi… Hoạt động chăn nuôi đến nay cơ bản tương đối thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 128,6 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023, thịt trâu 1,1 nghìn tấn, giảm 0,1%; thịt gia cầm 83,3 nghìn tấn, tăng 3,5%; trứng gia cầm 1.455 triệu quả, tăng 4,1%; diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 22,6 nghìn ha chủ yếu là diện tích nuôi cá, tăng 2,5% so với năm 2023, ước tính sản lượng tăng khoảng hơn 3,6%.
Thành phố Hà Nội hiện có trên 70 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm, trong đó có 13.739 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó có trên 1.600 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản và 1.421 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng ở địa phương.
Để đáp ứng nguồn cung hàng hóa cho người dân Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức sản xuất, phòng chống dịch bệnh động vật, cây trồng, phòng chống lụt bão, thiên tai đảm bảo sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu tự cung cấp cho người dân Thủ đô dịp cuối năm và Tết nguyên đán năm 2024. Đồng thời duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, khuyến khích hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất tốt như 58 mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; 49 mô hình áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS); hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiến tiến như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đối với nguồn cung từ việc kết nối tiêu thụ nguồn sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn từ các tỉnh, thành phố, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tích cực triển khai, kết nối sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội. Trong đó, sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long; thịt bò từ các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái; Rau củ quả từ Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, các tỉnh phía Nam; Thủy hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; Thực phẩm chế biến từ Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…
TP. Hà Nội cũng thường xuyên giới thiệu các doanh nghiệp tham gia các Hội chợ, Festival, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm nông lâm thủy sản đến các hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm đã tổ chức hơn 10 sự kiện giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP; tham gia Phiên chợ nông sản, đặc sản vùg miền năm 2024, tham gia các hội chợ triển làm tại các tỉnh, thành phố…; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân thành phố tổ chức diễn đàn, hội nghị kết nối sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Đặc biệt, về nguồn nhập khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản, theo thống kê trên địa bàn Hà Nội hiện nay, bên cạnh các sản phẩm tự sản xuất, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm được sản xuất từ các tỉnh thành phố về tiêu thụ thì một lượng tương đối lớn sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài tiêu thụ trên địa bàn như sản phẩm Gạo từ Thái Lan, Nhật Bản... sản phẩm thịt lợn đông lạnh từ Nga, Mỹ, Thái Lan…; sản phẩm thịt gà từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan…; sản phẩm Thịt bò từ Úc, Mỹ, Lào, Thái Lan…; Rau củ quả từ Trung Quốc; Trái cây từ Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Úc, Newzelan, Hàn Quốc…; Thủy sản từ Na uy, Mỹ, Úc, Nhật… với đa dạng các chủng loai, số lượng.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa và chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung chỉ đạo các Chi cục chuyên ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng chống dịch bệnh động vật, cây trồng; phòng chống lụt bão, thiên tai đảm bảo sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu tự cung cấp cho người dân Thủ đô.
Tiếp tục phối hợp với Sở Công thương theo dõi, bám sát tình hình cung cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời đẩy mạnh thông tin về tình hình cung cầu, chủ trương, biện pháp bình ổn thị trường đối với vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản phục vụ đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng hợp: Thắng Lợi (Nguồn: Theo Chinhphu.vn)
Các tin tức khác