Làm giàu từ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp
30/11/2024 - Lượt xem: 4
Hộ anh Bùi Ngọc Chiển, ở thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) nức tiếng khắp vùng khi là chủ sở hữu của dàn máy cơ giới hóa nông nghiệp làm dịch vụ hiệu quả, cho thu lãi trung bình mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng.
Hiện anh Hiển có 3 máy cày, 2 máy gặt, trị giá 1,5 tỷ đồng, đây một cơ ngơi khiến nhiều nông dân phải nể phục. Khởi nghiệp cách đây 10 năm, lúc đó anh Chiển mới chỉ có đủ tiền để mua một chiếc máy cày cũ của Nhật.
Làm được vài năm anh mới liên hệ với cán bộ khuyến nông TP Hà Nội để vay Quỹ khuyến nông, rồi tìm đến Công ty Chính Đạt để mua máy cày Kubota và máy gặt Kubota. Sau 3 lần được duyệt vay vốn Quỹ khuyến nông mua được 2 máy cày, 1 máy gặt, anh Hiển nhận thấy ưu điểm của Quỹ khuyến nông là không tính phí và gốc được trả dần theo từng năm.
Cũng trong quá trình vay vốn, anh được tiếp xúc với các cán bộ của Trạm khuyến nông huyện Mê Linh (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh), thấy họ đều nhiệt tình với công việc và thường xuyên quạ tâm, hỏi thăm về công việc của anh cũng như “sức khỏe” của máy cơ giới.
Anh Hiển cho biết, lúc nào nhà anh cũng có 3 lao động chạy máy cày, đến mùa gặt phải thuê thêm 8 người để chạy 2 máy gặt. Máy gặt thì chỉ gặt được lúa, nhưng máy cày lại rất đa nhiệm, từ làm đất lúa, đất màu đến đất hoa quanh năm suốt tháng, chỉ những ngày mưa mới nghỉ.
Quảng cáo
Nếu như ngày trước, bà con thuê máy cày nhỏ, phải tốn thêm 2 công lao động để cào, làm luống tổng cộng mất tới 700.000 đồng/sào đất mới đạt yêu cầu, thì nay thuê máy cày to của anh chỉ phải chi 200 - 300.000 đồng/sào, lại không cần đụng tay vào, vừa tiết kiệm được chi phí mà thời gian lại nhanh hơn.
“Với cày bừa cứ 15 - 20 phút là xong 1 sào, còn với gặt lúa cứ 5 - 7 phút là xong 1 sào. Cơ giới hóa đồng bộ giúp cả đôi bên là chủ máy và nông dân cùng có lợi. Ngay cả người làm công như lái máy cũng được 1,2 triệu đồng/ngày, hứng thóc cũng được 700.000 đồng/ngày, gấp 2 - 3 lần công thợ bình thường. Tuy nhiên, làm nghề này phải làm việc rất khắc nghiệt vì thời tiết nắng to, khô sương mới có thể bắt đầu gặt và đã làm là liên tục, hầu như không nghỉ do áp lực thời vụ” - anh Hiển cho hay.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh đánh giá, so với vay vốn từ ngân hàng thương mại, vay Quỹ khuyến nông Hà Nội có nhiều lợi thế. Thứ nhất là về mức phí, nếu vay phát triển sản xuất thì 0,5% tháng, trả 6 tháng/lần trong 2 năm, còn nếu vay mua máy móc cơ giới hóa đồng bộ thì không mất phí, thời gian trả trong 3 năm.
Thứ hai là luôn được cán bộ của khuyến nông quan tâm, sát cánh, hỗ trợ trong suốt cả quá trình vay. Đó là những tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi sao cho an toàn dịch bệnh, vật nuôi phát triển tốt, mua máy ở đâu cho đảm bảo chất lượng, giấy tờ đầy đủ. Đó cũng có thể là những tư vấn, hỗ trợ, kết nối về thị trường, xây dựng thương hiệu; đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, khi hệ thống vận chuyển hàng bị đứt gãy, giữa người sản xuất và người mua hàng bị ngăn cách…
Tổng hợp: Thành Nam (Nguồn: Theo Báo KTĐT)
Các tin tức khác