Kinh nghiệm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của Thạch Thất:Đổi mới tư duy và cách làm
15/06/2024 - Lượt xem: 292
Huyện Thạch Thất vừa có thêm 2 xã (Đồng Trúc và Hạ Bằng) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện lên con số 5.
Có được kết quả này là nhờ địa phương đã chủ động đổi mới tư duy và cách làm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023, hai xã Đồng Trúc và Hạ Bằng đã bắt tay vào việc rà soát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chọn ra những lợi thế của địa phương để triển khai, thực hiện. Trong đó, Đồng Trúc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo; Hạ Bằng xây dựng trên 2 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo.
Đối với lĩnh vực y tế, cả Hạ Bằng và Đồng Trúc đều có Trạm Y tế được đầu tư xây dựng xây dựng năm 2018, các phòng làm việc đều đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí quốc gia về y tế… Năm 2023, Trạm Y tế xã Đồng Trúc có tổng lượt khám, chữa bệnh là 6.786 lượt người (trung bình 26 lượt người/ngày), Trạm Y tế xã Hạ Bằng có 6.300 lượt người khám, chữa bệnh (trung bình 21 lượt người/ngày).
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đồng Trúc và Hạ Bằng đều có 3 trường học ba cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trong đó, Trường Mầm non và Tiểu học xã Đồng Trúc đã được kiểm định và công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Trường Trung học cơ sở của xã đang được đầu tư, dự kiến được công nhận đạt chuẩn mức độ 2 trong tháng 7-2024… Tại Hạ Bằng, Trường Tiểu học và Mầm non đang hoàn thiện các bước để được công nhận đạt chuẩn mức độ 2 vào tháng 7-2024.
Đáng chú ý, trong việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực văn hóa, đến nay Đồng Trúc đã có quy hoạch nhà văn hóa trung tâm và sân thể thao đang được xây dựng với quy mô gần 20.000m2, kinh phí đầu tư 81 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cả 4/4 thôn đều có nhà văn hóa và khu thể thao, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người dân.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh cho biết, đến nay, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là: Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Đồng Trúc và Hạ Bằng. Như vậy, Thạch Thất hoàn thành trước 1 năm số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công, việc đổi mới tư duy và cách làm là hết sức quan trọng. Hiểu rõ điều này nên các xã của Thạch Thất đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thu hút sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Trưởng thôn Đồng Táng (xã Đồng Trúc) Nguyễn Thành Đồng cho biết, thôn có hơn 300 hộ dân, hơn 1.400 nhân khẩu. Trong thôn có khoảng 700 người đi làm công nhân ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
“Vừa qua, thôn được đầu tư xây dựng 4 công trình: Giao thông nội đồng, nghĩa trang nhân dân, nhà văn hóa và tu sửa di tích đình Đồng Táng với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để mua sắm bàn ghế tại nhà văn hóa và mở tuyến đường dẫn từ Đại lộ Thăng Long về đình Đồng Táng”, ông Nguyễn Thành Đồng thông tin.
Theo Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng Phùng Văn Nhâm, trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Hạ Bằng luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ các nguồn lực để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân... Thông tin thêm về vấn đề này, Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Hạ Bằng) Nguyễn Văn Phúc cho biết, để đạt kết quả, cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ, nắm chắc nội dung, yêu cầu, quy định của từng tiêu chí, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc; phải làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, tư duy, đó là xây dựng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đều hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để họ đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Đơn cử, tại thôn 3 có Ao cá Bác Hồ, trước đây rất ô nhiễm. Thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm của người dân, các hội, đoàn thể nên giờ đây, khuôn viên Ao cá Bác Hồ đã sạch, đẹp, trở thành điểm nghỉ ngơi, vui chơi, tập thể dục của đông đảo người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn cho biết, nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, không có điểm dừng, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí, lộ trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các xã triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các xã, đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, giao thông nông thôn, vừa để nâng cao đời sống người dân, vừa là lĩnh vực để chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu./.
Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo báo HNM)
Các tin tức khác