Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 4139
Tổng lượt truy cập: 2,799,311

Huyện Thường Tín: Đổi thay ở vùng quê Hồng Vân

10/10/2022 - Lượt xem: 339

Hồng Vân là một trong những xã đầu tiên của huyện Thường Tín được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019. Nhờ đó, xã được thành phố Hà Nội lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Đến nay, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay, xanh, sạch, đẹp hơn...

Ông Ngô Xuân Giang, ở xã Hồng Vân cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn xã Hồng Vân không chỉ tập trung sản xuất rau, hoa cây cảnh thuần túy, mà còn gắn nông nghiệp với du lịch - dịch vụ nên đời sống ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, nhờ thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, làng quê vẫn giữ được nét đẹp bình yên nhưng đẹp hơn, quy củ hơn...

Là “hướng dẫn viên” tâm huyết, thông thạo lịch sử quê hương, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, xã có 2 làng được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh từ năm 2008 với nhiều nghệ nhân giỏi, sáng tạo nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng. Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Xã có “Chợ Mới Ông Già” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương”.
 
Sau khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2019, Hồng Vân được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh. Từ nền tảng đó, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng “Mô hình kinh tế xanh gắn với phát triển du lịch”. Theo đó, các công trình công cộng được quan tâm, như: Cây xanh, đèn chiếu sáng, hệ thống trang trí; phố đi bộ, không gian ẩm thực, văn hóa đêm... Các điểm di tích lịch sử đều có biển hướng dẫn; các nhà vườn, khu trải nghiệm dần đầu tư chuyên sâu, chuyên nghiệp...
 
Để làm điểm tựa cho kinh tế nông thôn phát triển bền vững, hài hòa lợi ích, Hồng Vân chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể như định hướng, hỗ trợ Hợp tác xã hoa - cây cảnh Tùng Anh phát triển theo mô hình nông trại giáo dục; bàn giao một số dịch vụ du lịch cho Hợp tác xã hoa - cây cảnh Hồng Vân đầu tư dịch vụ vận chuyển xe điện… Hợp tác xã phát huy vai trò trung tâm liên kết các mô hình, tạo các tuyến du lịch trải nghiệm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Ngoài ra, Hồng Vân đã xây dựng dây chuyền sản xuất các loại trà thảo mộc có thương hiệu như: Trà chùm ngây, trà trâu cổ, trà kim ngân hoa, là ba sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao của thành phố cùng một số sản phẩm độc đáo, bảo đảm chất lượng. Hai hợp tác xã này là 2 mô hình đặc trưng của định hướng triển khai nông nghiệp chuyên canh hoa - cây cảnh kết hợp du lịch trải nghiệm.
 
Đến nay, Hồng Vân đã kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý điều hành du lịch xã, tổ hướng dẫn viên; kêu gọi đầu tư xã hội hóa trung tâm điều hành, đón trả khách, các điểm dừng chân, ẩm thực, trải nghiệm; tổ chức tập huấn, liên kết tạo những chuỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, thu hút du khách. Từ năm 2019 đến tháng 9-2022, Hồng Vân đã đón hơn 8 vạn lượt du khách, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.
 
"Sau gần 20 năm định hướng phát triển hoa - cây cảnh gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, quy hoạch phát triển của Hồng Vân đã định hướng chính xác. Nhờ cú hích lớn là chương trình xây dựng nông thôn mới, Hồng Vân đang trở thành điển hình của ngoại thành Hà Nội", Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định.
 

Tổng hợp: (Nguồn: )

Tag: Huyện Thường Tín: Đổi thay ở vùng quê Hồng Vân
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE