Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5954
Tổng lượt truy cập: 3,219,712

Huyện Gia Lâm: Đổi mới hoạt động sản xuất để phát triển và nâng cao sản phẩm OCOP

24/06/2024 - Lượt xem: 15

Năm 2024, huyện Gia Lâm triển khai nhiều giải pháp nhằm mục tiêu phấn đấu có thêm 20 – 30 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, huyện chú trọng đổi mới hoạt động sản xuất của các tổ chức kinh tế để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.


Ngày 23/3/2024, UBDN xã Bát Tràng đã ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Các đại biểu thăm quan các sản phẩm được trưng bài tại Trung tâm

Những năm qua, huyện Gia Lâm đã triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các xã cũng như huyện NTM nâng cao. Chương trình OCOP đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề; thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh phát triển, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo thống kê, đến năm 2023, huyện Gia Lâm có 149 sản phẩm được thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, có 02 bộ sản phẩm của 02 chủ thể đạt OCOP 5 sao, gồm: “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”; “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”; “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen” của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng) được công nhận năm 2020; bộ sản phẩm Men suối ngọc của HTX Tân Thịnh (Bát Tràng) được công nhận năm 2023. Nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất ở các vùng nông nghiệp chuyên canh như: Vùng sản xuất cây ăn quả tại các xã: Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi, Dương Quang, Cổ Bi, Dương Xá; vùng trồng hoa chất lượng cao tại xã Phù Đổng, Kim Lan, Lệ Chi; vùng trồng rau các loại tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên; các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo thành chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả như:  Chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa tại HTX Dịch vụ tổng hợp Văn Đức, HTX Sản xuất kinh doanh Văn Đức, HTX Rau sạch Chử Tâm, HTX Rau Tùng Anh….

Phát huy những thành quả đã đạt được, nhằm phát triển và nâng cao hơn nữa sản phẩm OCOP, năm 2024, huyện Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến chính quyền và nhân dân các địa phương về Chương trình OCOP; tổ chức đào tạo tập huấn cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình phát triển sản phẩm; lồng ghép có hiệu quả các nội dung đào tạo của Chương trình OCOP với các chương trình tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình khuyến nông, khuyến công, Chương trình xây dựng NTM,…


Bộ sản phẩm Men suối ngọc của HTX Tân Thịnh (Bát Tràng) được công nhận OCOP 5 sao năm 2023

Khảo sát, đánh giá, xác định các cơ sở (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ nhóm sản xuất, nghệ nhân, thợ giỏi, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh) thuộc các nhóm sản phẩm trên địa bàn huyện tham gia Chương trình OCOP tại các xã, thị trấn, huyện tập trung hỗ trợ sản phẩm lợi thế của huyện tại các làng nghề truyền thống như: Gốm sứ Bát Tràng; gốm sứ Kim Lan; dát vàng và may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp,…; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực rau, quả an toàn; sản phẩm du lịch; sản phẩm hoa, cây cảnh,…

Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX nông nghiệp nâng cấp, hoàn thiện cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh theo hướng gia tăng thành viên, cổ đông, mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, đảm bảo đủ các điều kiện để chuyển đổi loại hình hoạt động thành HTX kiểu mới hoặc doanh nghiệp.

Huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế có sản phẩm nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP về: Tiếp cận nguồn vốn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh (theo tiêu chuẩn VietGAP, sinh học, hữu cơ); hỗ trợ thiết kế bao gói sản phẩm, tem QR code truy suất nguồn gốc nông sản; hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở thực hiện sơ chế, chế biến rau quả an toàn và đăng ký nhãn hiệu OCOP; thuê chuyên gia tư vấn nâng cáp sản phẩm OCOP đạt chuẩn quốc gia, quốc tế; hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng nhóm sản phẩm để đánh giá, xếp loại; tư vấn khuyến khích đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để bảo quản, chế biến sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm như: GMP, SSOP, HACCP, ISO,… Định hướng, khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP, phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm; tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có.


HTX Văn Đức, huyện Gia Lâm có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Sản phẩm của HTX không chỉ khẳng định được ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan

Bên cạnh hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đổi mới sản xuất, phát triển sản phẩm, huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm hỗ trợ đầu ra sản phẩm OCOP. Trong năm 2024, huyện sẽ tiếp tục duy trì hoạt động 02 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP;  phấn đấu khai trương thêm một điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương tại xã Phù Đổng.

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội có điểm giới thiệu sản phẩm OCOP để giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm tham gia vào chuỗi hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Xây dựng phương án phát triển thương mại điện tử, đưa các sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm lên sàn TMĐT để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như quyết tâm và kế hoạch cụ thể của chính quyền, huyện Gia Lâm có cơ sở để hoàn thành mục tiêu có thêm từ 20 - 30 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên trong năm 2024; góp phần cùng các quận, huyện, thị xã hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP, Chương trình NTM của Thành phố Hà Nội.


Tổng hợp: Thanh Tuyền (Nguồn: Theo Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng)

Tag: Huyện Gia Lâm: Đổi mới hoạt động sản xuất để phát triển và nâng cao sản phẩm OCOP
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE