Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 7117
Tổng lượt truy cập: 2,899,351

Huyện Đông Anh (Hà Nội): Số lượng sản phẩm OCOP dẫn đầu thủ đô

30/09/2023 - Lượt xem: 97

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 06 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.

Trong số 6 sản phẩm OCOP được cấp 5 sao của Hà Nội, huyện Gia Lâm có đến 5 sản phẩm; sản phẩm 5 sao OCOP còn lại thuộc về chủ thể ở huyện Mỹ Đức. Quận Bắc Từ Liêm có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 3 địa phương có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao gồm: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Xuân. Đông Anh và Hoài Đức - mỗi địa phương có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Riêng năm 2022, Thành phố công nhận 518 sản phẩm (01 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm, Hà Nội phát triển được 2 sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm lĩnh vực dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Cụ thể là điểm du lịch Green Park (huyện Gia Lâm) và điểm dịch vụ du lịch Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Chương trình OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất-kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Về mặt số lượng, huyện Đông Anh là địa phương dẫn đầu toàn TP về phát triển sản phẩm OCOP. Địa phương này hiện đã có 185 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tiếp đến là các huyện: Phú Xuyên 177 sản phẩm, Thường Tín 166 sản phẩm, Chương Mỹ 145 sản phẩm, Thạch Thất 142 sản phẩm…

Đông Anh cũng là huyện đầu tiên của Hà Nội tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Với bước đi, cách làm bài bản, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện, Đông Anh đã được thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, Hiện nay huyện đang chú trọng phát triển mô hình nông nghiệp xanh - sạch, hướng tới phát triển du lịch kết hợp du lịch sinh thái. Huyện Đông Anh là địa phương được Thành phố đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu của Thủ đô trong việc thực hiện chương trình OCOP với gần 200 sản phẩm đã được phân hạng từ 3 sao đến 5 sao.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh, khi triển khai Chương trình OCOP đã tác động rất lớn đến tư duy phát triển kinh tế của các chủ thể, từ việc sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất mang tính thủ công… đến nay, các chủ thể đã quan tâm sâu hơn đến các sản phẩm của mình, chăm chút hơn và gắn với sản phẩm bằng những câu chuyện, bằng văn hóa các vùng miền để lan tỏa.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội - nhận định: Chương trình OCOP đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, chủ thể sản xuất - kinh doanh nhiệt tình hưởng ứng, tạo thành phong trào sâu rộng, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn.

Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP, ông Nguyễn Văn Chí cũng đề nghị, các chủ thể này tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và phát triển nông nghiệp nói chung. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội không những đã và đang tạo dấu ấn, niềm tin cho người dân Thủ đô.

Trong năm 2023, Hà Nội phấn đấu tiếp tục đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Tính đến nay, đã có 23/30 quận, huyện, thị xã đăng ký phát triển 375 sản phẩm OCOP. Các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ minh chứng để đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong thời gian tới.


Tổng hợp: Thằng Lợi (Nguồn: Theo TC LNV)

Tag: Huyện Đông Anh (Hà Nội): Số lượng sản phẩm OCOP dẫn đầu thủ đô
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE