Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 29276
Tổng lượt truy cập: 14,614,406

Huyện Ba Vì: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

10/11/2024 - Lượt xem: 4

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Nhân dân huyện Ba Vì đã hiến hơn 200.000m2 đất thổ cư và gần 900.000m2 đất nông nghiệp. Trong 5 năm qua, 7 xã miền núi của huyện đã có tới 343 hộ dân hiến đất với tổng số 30.540m2, trong đó diện tích đất thổ cư lên tới 10.455m2, chiếm 34% số diện tích đất hiến để làm đường và các công trình phúc lợi khác. Phong trào này đã tạo quỹ đất để mở rộng tuyến đường trong khu dân tạo diện mạo nông thôn khang trang. Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp cho biết, các xã miền núi của huyện Ba Vì, nhất là bà con người dân tộc Mường và Dao luôn hăng hái tham gia hiến đất làm đường.
Chú trọng đến phát triển kinh tế nông nghiệp
Là một trong 07 xã vùng núi của huyện Ba Vì, xã Ba Trại có diện tích tự nhiên là 2017,4 ha, dân số 15.444 người, trong đó có 41% là đồng bào Mường, Dao, còn lại là đồng bào Kinh.

Nền kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, trong đó cây chè được xác định là cây chủ lực, đã góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Được sự quan tâm của huyện Ba Vì và Thành phố Hà Nội. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị xã Ba Trại đã lãnh đạo nhân dân vượt mọi khó khăn, xây dựng xã Ba Trại trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của 7 xã vùng núi. Từ đó đến nay địa phương vừa tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được, vừa tiến hành xây dựng xã NTM nâng cao theo lộ trình, đến nay toàn xã đã đạt được 07/19 tiêu chí NTM nâng cao,11/19 tiêu chí cơ bản đạt và 01 tiêu chí đang tiếp tục phấn đấu.
Ông Hoàng Văn Chuyển, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết: Tổng giá trị thu nhập toàn xã năm 2024 đạt 1.110 tỷ 400 triệu đồng, trong đó thu từ các nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 60%, thu từ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm 40 %, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt mức 72 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện chỉ còn 02 hộ nghèo (chiếm 0,05%) và 69 hộ cận nghèo (chiếm 1,85%).

Lãnh đạo xã Ba Trại thường xuyên chú trọng đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là phát triển làng nghề chè gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Hiện nay toàn xã vẫn duy trì ổn định diện tích 471 ha chè, năng xuất 8,5 tấn/ha, sản lượng 4.003,5 tấn và duy trì thương hiệu sản phẩm chè Ba Trại đạt OCOP 3 sao.
Song song với đó, địa phương cũng đang làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tuyên truyền phát động toàn dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, như phong trào "Xây dựng NTM, đô thị văn minh" gắn với phong trào thi đua "Xây dựng thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỷ và trong tổ chức các hoạt động tôn giáo, lễ hội. Tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 96,7% trở lên, số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa 3 năm liên tục (2021-2023) là 89%, xã có 10/10 thôn được công nhận giữ vững danh hiệu Làng văn hóa. Về giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên của 05 nhà trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn, chất lượng dạy và học của các trường THCS, Tiểu học và Mầm non trên địa bàn xã duy trì chất lượng cao.
Phát huy kết quả đã đạt được, Đảng bộ chính quyền xã Ba Trại tiếp tục huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra từ đầu năm. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị xã trong sạch, vững mạnh, hoàn thành chương trình xây dựng xã Ba Trại trở thành xã NTM nâng cao, góp phần xây dựng huyện Ba Vì ngày càng phát triển và đổi mới.
Cách trung tâm huyện 07 km, Vạn Thắng là xã thuộc vùng nội đồng của huyện Ba Vì (Hà Nội), có tổng diện tích đất tự nhiên 990,67 ha, dân số 3.904 hộ, 16.469 nhân khẩu cư trú tại 07 thôn trong xã. Nền kinh tế của xã đa thành phần, gồm sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Với những kết quả đạt được, xã Vạn Thắng vừa được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Diện mạo đô thị hóa của địa phương đổi thay nhanh chóng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cao. Đến nay, nông thôn mới của xã tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người dân của xã trong kỳ thống kê gần nhất đã đạt 74,3 triệu đồng/năm, cao hơn 10% so với bình quân của xã nông thôn mới nâng cao. Số hộ nghèo còn 23 hộ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã chỉ còn 0,51%, số hộ cận nghèo là 37 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều còn có 0,46%.
Tổng cộng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM nâng cao của xã là 270. 865 triệu đồng, trong đó tổng vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí được phê duyệt: 27.224 triệu đồng (NS thành phố chiếm 64,28%, NS huyện 35,35%, NS xã và nguồn khác 0,37%); Tổng đầu tư công là 239. 060 tỷ đồng; Nguồn huy động vốn ủng hộ và huy động nguồn khác 4.581 triệu đồng.
Ông Phương Văn Liểu, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thắng cho biết, đầu năm 2024 Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Vạn Thắng tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua "Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", vừa củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt được vừa tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu gắn với các phong trào "xây dựng cơ quan, thôn, xóm, ngõ "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", xây dựng mô hình thôn thông minh, xúc tiến ứng dụng công nghệ số trong công tác giao tiếp, quảng bá và cung cấp các dịch vụ xã hội. Xây dựng xã Vạn Thắng sớm trở thành xã NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng huyện Ba Vì ngày càng phát triển văn minh và hiện đại.
Ngày 6/11 vừa qua, đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Sơn Đà, Phong Vân và Vạn Thắng. Các thành viên đoàn, đại diện cho nhiều sở ngành của TP Hà Nội, đều đánh giá cao kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của 3 địa phương.
Trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan hồ sơ và thực tế kết quả, các thành viên đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội thống nhất 3 xã: Sơn Đà, Phong Vân và Vạn Thắng, đều đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên các lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo. Riêng xã Phong Vân còn đạt chuẩn kiểu mẫu trên lĩnh vực y Ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Đồng thời đề nghị huyện Ba Vì chỉ đạo các phòng, ban phối hợp chặt chẽ với xã sớm hoàn thiện hồ sơ, tài liệu minh chứng, gửi Hội đồng thẩm định xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.
Ông Ngọ Văn Ngôn cũng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân 3 xã không hài lòng với kết quả đã đạt được. Tiếp tục quan tâm đầu tư và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phấn đấu đưa xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện. Cùng ngày, đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì). Kết quả, xã Minh Quang đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

 

Tổng hợp: Thắng Lợi (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Huyện Ba Vì: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 29276
Tổng lượt truy cập: 14,614,406