Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 68080
Tổng lượt truy cập: 11,868,104

Hưng Yên: Những nghề phụ trong mùa nhãn chín

25/08/2024 - Lượt xem: 8

Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.900 héc-ta nhãn, trong đó có 4.600 héc-ta đang cho thu hoạch. Mùa nhãn chín cũng là lúc các nghề phụ “ăn theo” như xoáy long, bẻ nhãn thuê nở rộ… giúp nhiều lao động có thêm thu nhập. 

Vào chính vụ, nhãn thường chín rộ trong thời gian ngắn với số lượng lớn nên các nhà vườn phải thuê lao động phụ giúp công việc thu hoạch, phân loại, vận chuyển... Dù chỉ mang tính chất thời vụ nhưng công việc này giúp nhiều lao động nông nhàn có thu nhập cao, từ 500.000 đồng/người/ngày. 
Gia đình ông Bùi Xuân Tám ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) trồng gần 3 mẫu nhãn, gồm Hương Chi, cùi cổ, sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 7 - 10 tấn quả. Do quả nhãn thường chín rộ đồng loạt, khách đặt hàng với số lượng lớn nên ông thuê thêm lao động bẻ nhãn, phân loại, đóng hộp... Ông Tám cho biết: Ngoài nhân lực của gia đình, vào ngày cao điểm, tôi thuê 2 - 3 lao động mới kịp thu hoạch đủ nhãn và đóng hàng gửi cho khách buôn. Dù tiền công khá cao, trung bình 500.000 đồng/người/ngày, nhưng nhờ họ công việc thu hoạch diễn ra thuận lợi hơn, bảo đảm uy tín với khách hàng.
Là thợ bẻ nhãn thuê lành nghề ở xã Hồng Nam, ngày cao điểm, chị Nguyễn Thị Nụ có thể bẻ được gần 2 tạ quả. Chị Nụ cho biết: Dù vất vả nhưng bù lại thu nhập cao gấp 2 lần so với làm phụ hồ. Ngoài sức khoẻ, công việc này cần khéo léo và có kinh nghiệm. Khi bẻ nhãn, chúng tôi cần xác định chùm nào quả chín, chùm nào quả còn xanh; không cắt cuống quá dài để tránh ảnh hưởng đến các mầm ngủ phía dưới chùm quả, làm ảnh hưởng khả năng nảy lộc cho vụ sau. Bên cạnh đó, cần thu hái nhẹ nhàng nhằm hạn chế quả rụng…
Xã Hồng Nam là “thủ phủ” nhãn lồng của thành phố Hưng Yên, vào chính vụ thu hoạch nhiều lao động trong và ngoài xã đến thu bẻ nhãn thuê. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: Vụ thu hoạch nhãn hằng năm thường tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và một số vùng lân cận với thu nhập khá cao. Thợ bẻ nhãn được các nhà vườn trả công trung bình 500.000 đồng/ngày và lao động phân loại quả được trả công 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Nhiều hộ huy động các thành viên trong gia đình cùng làm công vào vụ thu hoạch nhãn, kiếm tới hàng chục triệu đồng/vụ. 
Những lao động làm nghề thu hoạch nhãn thường tập hợp thành từng nhóm từ 2 người trở lên. Nhà vườn chủ động hẹn lịch từ trước vài ngày. Ngoài thuê thợ chuyên bẻ quả, nhiều nhà vườn thuê thêm lao động phân loại quả, đóng hàng… Công việc này phần lớn dành cho phụ nữ, người nhiều tuổi. 
Ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Hàm Tử (Khoái Châu), có trên 20 năm kinh nghiệm bẻ nhãn thuê chia sẻ: Nghề này có nhiều rủi ro. Để bảo đảm an toàn, khi leo cây bẻ nhãn chúng tôi thường phải đeo dây bảo hộ, mặc áo điều hòa, đeo găng tay, cùng chiếc kéo cắt cành… 
Vào chính vụ, nhãn thường chín rộ trong thời gian ngắn, số lượng lớn nên người dân các vùng trồng nhãn lớn trong tỉnh phát triển nghề chế biến long nhãn, với mục đích để bảo quản và nâng cao giá trị sản phẩm. Thời điểm này, người dân các vùng thôn quê lại tất bật đi xoáy long nhãn thuê. Dù chỉ mang tính thời vụ nhưng đây là nghề “hái ra tiền” của nhiều lao động lúc nông nhàn. 
Từ sáng sớm, tại cơ sở biến long nhãn của gia đình bà Nguyễn Thị Thoa ở xã Đức Thắng (Tiên Lữ) đã tấp nập thợ đến xoáy long nhãn. Trong khoảng sân rộng trước nhà, gần 20 thợ xoáy tay thoăn thoắt vặt quả, tách hạt, bóc vỏ rồi cẩn thận xếp những múi long tươi vào sàng trước khi đưa lên lò sấy. 
 “Lò” long của gia đình bà Thoa hoạt động từ đầu tháng 8. Thợ xoáy chủ yếu là người dân trong xã, trong đó phần lớn là các cô, các bà tranh thủ thời gian nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Tiền công là 4.000 đồng/kg nhãn quả tươi. 
Nghề xoáy long nhãn thuê chỉ kéo dài hơn một tháng, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 dương lịch. Các cơ sở chế biến long nhãn thường tập trung ở một số xã trên địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Ân Thi... Dụng cụ để xoáy long rất đơn giản, chỉ cần một cái “bút xoáy” bằng kim loại. Khi xoáy, người thợ bóc một phần vỏ trên đầu quả nhãn, dùng “bút xoáy” quay một vòng quanh quả nhãn rồi bẩy hạt ra, khéo léo lấy hết phần cùi nhãn sao cho không bị rách rồi xếp vào phên. 
Một ngày, thợ xoáy nhanh có thể làm hết 40 – 50kg nhãn quả. Kết thúc vụ long kéo dài từ 45 – 60 ngày, mỗi thợ được trả công ít nhất 5 triệu đồng, người làm chăm chỉ và năng suất có thể thu về gần chục triệu đồng.
Không chỉ tạo ra thu nhập cho nhiều lao động lúc nông nhàn, nghề chế biến long nhãn còn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của đất nhãn, nâng cao giá trị quả nhãn lồng Hưng Yên.

 

Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: Theo Báo Hưng Yên)

Tag: Hưng Yên: Những nghề phụ trong mùa nhãn chín
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 68080
Tổng lượt truy cập: 11,868,104