Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 38273
Tổng lượt truy cập: 31,569,383

Hà Nội: Phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP

24/08/2021 - Lượt xem: 1327

Hà Nội được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những sản phẩm đó, không chỉ chứa đựng tinh hoa văn hóa mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội khởi động, nhiều chủ thể, địa phương đã đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp TP.
 
 
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến hết năm 2020, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch Thành phố giao; trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%) của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn. Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận, có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%), đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,8%), thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,7%), vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,6%), sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,4%).
 
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhấn mạnh: Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa (đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương) theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chính vì vậy có thể khẳng định, mỗi sản phẩm OCOP là sứ giả văn hóa của một vùng quê, bởi nó mang đầy đủ hồn cốt, nét truyền thống văn hóa và tập quán sinh hoạt của người dân vùng đó.
 
Cách đây khoảng 70 năm, phố Thụy Khuê khá vắng lặng, thưa thớt. Chàng thanh niên trẻ tuổi Phạm Vi Bảo đã lặng lẽ mua căn nhà mặt phố để mở cửa hàng bánh nhỏ của riêng mình. Trải qua 3 đời, bánh trung thu Bảo Phương luôn ghi dấu ấn sâu đậm với “hương vị cổ xưa” của Hà Thành. Nhân bánh thơm béo của trứng muối, đậu xanh, lạp sườn… hòa quyện với lớp vỏ giòn ngậy khiến ai ăn một lần đều nhớ mãi không quên. Chị Thuỷ đại diện cơ sở bánh Trung thu Bảo Phương cho biết : Bánh trung thu Bảo Phương vẫn luôn giữ các loại nhân truyền thống như đậu xanh, thập cẩm, sen… thay vì những loại nhân khác lạ như socola, trà xanh, bào ngư như những tiệm bánh mới mở. Điểm cộng của bánh Bảo Phương là không sử dụng hóa chất bảo quản, an toàn cho sức khoẻ. 
 
Tất cả nguyên liệu làm nhân bánh được tinh chọn từ những nguồn cung cấp đảm bảo an toàn. Nguyên liệu được đưa vào máy trộn đều sau đó người thợ làm bánh sẽ đưa hạt sen và lạp sườn vào giữa và tạo hình. 
 
Mỗi giai đoạn làm bánh đều rất tỉ mỉ và tốn nhiều công sức. Từng chiếc bánh nướng làm ra có trọng lượng 220gr – 270gr. Ngay cả nhân bánh cũng được người thợ vo tròn, tạo hình đều răm rắp dù được làm hoàn toàn thủ công.
 
 Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP Hà Nội. Cơ sở bánh trung thu Bảo Phương  có các sản phẩm: Bánh dẻo nhân đậu xanh; Bánh dẻo nhân thập cẩm; Oản đường; Bánh nướng nhân thập cẩm đạt 4 sao OCOP. Chúng tôi luôn cố gắng phát triển về chất và lượng phấn đấu cho các sản phẩm của Bảo Phương đạt 5 sao OCOP. Chị Thuỷ nói.
 
Tham gia Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh chọn các sản phẩm truyền thống, gắn với văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng như: Bánh cốm, bánh phu thê, bánh pía, kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng, chè lam... dự thi. Đó là những sản phẩm mộc mạc, dân dã không chỉ ngon mà còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống, cạnh tranh được với các sản phẩm bánh kẹo hiện đại trên thị trường.
 
 
Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh cho biết, Công ty đang có 2 nhà máy sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dây chuyền sản xuất hiện đại với 3 dòng sản phẩm chính: Bánh mứt kẹo truyền thống (bánh cốm, phu thê, bánh khảo...); bánh mứt kẹo cách tân (bánh bông nhài, bánh đậu xanh tươi...); bánh hiện đại (bánh Soggi, sandochi...) cung ứng cho chuỗi các siêu thị: BigC, Aeon, VinMart, Lotte, Co.opmart... Việc được công nhận sản phẩm 4 sao và 5 sao trong chương trình OCOP thành phố Hà Nội năm 2020 là bước ngoặt lớn, giúp các sản phẩm Bảo Minh được cơ quan chức năng và người tiêu dùng cả nước biết tới. Trên cơ sở những sản phẩm OCOP được công nhận, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh mong muốn sản phẩm của Công ty không chỉ phát triển tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia để giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.
 
Trao đổi về vấn đề giữ gìn nét văn hóa trong sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho biết: Sản phẩm OCOP mang tính cộng đồng, địa phương nên hầu hết các sản phẩm đều bắt nguồn, chứa đựng những nét truyền thống của cộng đồng dân cư. Trong câu chuyện sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã thể hiện được truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa của sản phẩm trong suốt chiều dài thời gian. Theo đó, những tác động của sản phẩm đến cộng đồng, không chỉ dừng lại ở tạo việc làm, nâng cao thu nhập... mà còn là sự chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.
 
Do đó, để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực hiện hỗ trợ các chủ thể sản xuất có những sản phẩm đặc hữu, đặc trưng, thế mạnh đầu tư sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng, sức lan tỏa của sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền về giá trị văn hóa của sản phẩm để các chủ thể chú trọng lưu giữ, phát huy và người tiêu dùng biết đến, lựa chọn. Bên cạnh đó, văn phòng sẽ hỗ trợ để các chủ thể, các địa phương tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, từ đó nâng tầm sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
 
Để đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hiện, Sở đã tổng hợp ý kiến góp ý của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.
 
Cũng theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, trong năm 2021 này, Hà Nội sẽ phấn đấu có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Tổng hợp: Bảo Đan (Nguồn: vccinews.vn)

Tag: Hà Nội: Phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 38273
Tổng lượt truy cập: 31,569,383