Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 34413
Tổng lượt truy cập: 7,876,358

Hà Nội chuyển giao khoa học, công nghệ: Bước đệm cho nông nghiệp đô thị

26/01/2022 - Lượt xem: 227

Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là “chìa khóa”, động lực để thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều cơ chế chính sách khuyến khích… Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao để tạo bước đệm phát triển nền nông nghiệp đô thị hiện đại vẫn còn nhiều việc phải làm.

Mô hình trồng hoa lan của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) là minh chứng cụ thể về việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài Bùi Hường Bích cho biết: Hợp tác xã có diện tích gần 40.000m2, trong đó có 2.200m2 nhà kính sản xuất giống hoa lan và 17.800m2 nhà kính sản xuất hoa thương phẩm, đầu tư bài bản, áp dụng hệ thống làm lạnh, tạo môi trường thích hợp… Trồng hoa trong nhà kính khắc phục được tính thời vụ, chủ động được kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi năm hợp tác xã đưa ra thị trường hơn 800.000 cây lan các loại như: Lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan..., cho thu nhập 2-3 tỷ đồng.

Còn Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi - dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: Hợp tác xã có trang trại quy mô 2.400 con lợn nái, 17.000 con lợn thương phẩm, với hệ thống chuồng trại được đầu tư khép kín theo hướng hiện đại, môi trường được xử lý... nên hạn chế ô nhiễm, ít xảy ra dịch bệnh. Trung bình mỗi năm trang trại cho thu nhập khoảng 20 tỷ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) đầu tư chuồng trại khép kín, ứng dụng công nghệ hiện đại, trung bình mỗi năm đưa ra thị trường 450.000 con gà giống, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm…
 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong lĩnh vực trồng trọt, 127ha rau của Hà Nội đã áp dụng mô hình nhà lưới; 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; 150,8ha hoa và 1.127ha cây ăn quả đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu như: Làm giàu ô xy bằng quạt nước (hơn 6.000ha), sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước (hơn 9.000ha)... Trong chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội dù quy mô nhỏ nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10% đến 12%, giá trị kinh tế gia tăng từ 25% đến 30%... Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã tạo ra bước đệm cho nền nông nghiệp đô thị hiện đại.
 
 
Hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã được khẳng định, tuy nhiên thách thức vẫn ở phía trước. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Nguyễn Văn Chí, các mô hình ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội có quy mô còn nhỏ, phân tán; hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ… Mặt khác, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chưa ổn định.
 
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn thông tin: Huyện đã phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa công nghệ cao, bền vững, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đề ra mục tiêu, đến năm 2025, có ít nhất 330 trang trại ứng dụng công nghệ cao. Ứng Hòa sẽ tạo cơ chế khuyến khích nhà khoa học, các thành phần kinh tế nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất; đồng thời tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng đã được quy hoạch phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
 
Ở góc độ của người sản xuất, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng, từ tháng 6-2017, với diện tích 2.600m2, hợp tác xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng lắp đặt hệ thống lưới cảm biến nhiệt độ; hệ thống quạt đối lưu không khí; hệ thống bơm động lực; hệ thống cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn... để trồng rau thủy canh. Từ thực tế sản xuất, ông Nguyễn Mạnh Hồng mong muốn, các cơ quan chức năng của thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn tới người tiêu dùng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, mấu chốt của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là liên kết để sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số...; đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó là tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; gắn kết nông dân với thị trường và doanh nghiệp. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn... để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu
 
 

Tổng hợp: (Nguồn: Lê Cường (Theo báo HNM))

Tag: Hà Nội chuyển giao khoa học công nghệ: Bước đệm cho nông nghiệp đô thị
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE