Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1623
Tổng lượt truy cập: 2,602,339

Đan Phượng xây dựng Nông thôn mới nâng cao với các tiêu chí trở thành quận

24/09/2021 - Lượt xem: 1357

Theo lộ trình phát triển do thành phố đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Do đó, Đan Phượng đang tiến hành xây dựng Nông thôn mới nâng cao với các tiêu chí để lên quận, tập trung vào quy hoạch, hạ tầng, quản lý trật tự xây dựng...

100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao

Đan Phượng là huyện Nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô Hà Nội và hiện đang phấn đấu tiếp tục trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố. Đến thời điểm này, đã có 15/15 xã của Đan Phượng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
 
Theo lộ trình phát triển do thành phố đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Do đó, Đan Phượng sẽ tiến hành xây dựng Nông thôn mới nâng cao với các tiêu chí để lên quận, tập trung vào quy hoạch, hạ tầng, quản lý trật tự xây dựng...
 
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết: Năm 2015, Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Ngay sau đó, huyện xác định khi chưa trở thành quận thì mục tiêu xây dựng Nông thôn mới chưa có điểm dừng.
 
Do đó, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương và thành phố về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu nhưng huyện đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới. Trong đó, huyện chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
 
Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội)
 
Với mục tiêu xuyên suốt là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, Đan Phượng đã xác định được những nhiệm vụ trọng tâm. Điển hình là việc tổ chức lại sản xuất, công tác bảo vệ môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất, gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.
 
Cùng với đó, huyện khảo sát các nhu cầu thực tế của người dân và trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đề ra các chương trình cụ thể và khái quát các nhiệm vụ trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao thành khẩu hiệu: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”; “Tập trung về tuyên truyền và huy động nguồn lực, 4 trụ cột trong nông nghiệp, 5 điểm nhất về văn hóa - xã hội”.
 
Theo đó, trong sản xuất, huyện tập trung xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề và đã thu hút được hàng trăm hộ dân vào sản xuất; Mức đầu tư hàng tỷ đồng. Từ đó, các khu, cụm công nghiệp làng nghề đã góp phần nâng cao đời sống, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
 
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc thành lập các hợp tác xã, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, khu chăn nuôi xa khu dân cư để hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, công tác phòng chống dịch bệnh cũng như phát triển đàn vật nuôi ổn định, sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững...
 
Đẩy mạnh các phong trào thi đua tại cơ sở
 
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới nâng cao, huyện Đan Phượng đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nguồn vốn; Đồng thời, tích cực lồng ghép, huy động nguồn xã hội hóa tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí.
 
Điển hình, huyện đã hỗ trợ 600 triệu đồng để các địa phương gắn biển số nhà, đặt tên đường làng, ngõ xóm. Mỗi xã về đích Nông thôn mới năm 2019 được ngân sách huyện hỗ trợ 500 triệu đồng.
 
Con đường bích họa tại thôn Đông Khê (xã Đan Phượng, Đan Phượng, Hà Nội)
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ: “Ngoài những phương án trên, yếu tố quan trọng nhất mang tới thành công cho Đan Phượng là sự đồng thuận của người dân. Việc phát huy dân chủ, công khai, minh bạch tất cả các khâu trong xây dựng Nông thôn mới đã tạo được niềm tin rất lớn của Nhân dân đối với các cấp chính quyền. Nhờ đó, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của huyện thuận lợi hơn”.
 
Ngoài việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Đan Phượng còn là điển hình của thành phố trong xây dựng, cải tạo cảnh quan. Hằng tháng, huyện đều tổ chức cuộc thi: “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp” với sự tham gia của 129 thôn, tổ dân phố, có các tiêu chí cụ thể về hạ tầng, vệ sinh... hay còn được gọi là phong trào xây dựng “Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố”. Phong trào phát triển mạnh mẽ đã góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
 
Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song Đan Phượng là một trong số ít những địa phương giữ được sự phát triển ổn định. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất của huyện ước thực hiện đạt 14.124 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 10,53% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện hơn 825 tỷ đồng, đạt 152,3% so với dự toán thành phố giao, là năm thu ngân sách cao nhất so với các năm qua.
 
Với định hướng rõ ràng, cách làm sáng tạo, linh hoạt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, Đan Phượng sẽ sớm trở thành một đô thị hiện đại, quận ngoại thành phát triển của Hà Nội.

Tổng hợp: Lê Cường (Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/)

Tag: Đan Phượng xây dựng Nông thôn mới nâng cao với các tiêu chí trở thành quận
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1623
Tổng lượt truy cập: 2,602,339