Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1769
Tổng lượt truy cập: 2,602,958

Chuyện về người nông dân từng vỡ nợ, có đồi thanh long bạc tỉ

27/07/2022 - Lượt xem: 613

Tôi đã ăn nhiều loại thanh long ruột đỏ trồng ở khắp Bắc, Trung, Nam, nhưng hiếm có loại nào lại ngọt đậm đà như trồng trên đất đồi của huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Quả đồi bốn mùa hoa trái

Chính chất đất và tiểu vùng khí hậu nơi đây đã làm nên sự khác biệt ấy dù rằng về mẫu mã thì thanh long ruột đỏ Thạch Thất vẫn còn kém, quả nhỏ, màu sắc không được bắt mắt cho lắm. Khi tôi kể lại điều ấy cho Vương Văn Hải-chủ trang trại thanh long ruột đỏ ở xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, anh gật gù đồng tình: “Trước đây tôi thích ăn thanh long trắng lắm, có ngày ăn cả kg nhưng từ khi trồng thanh long ruột đỏ thì không bao giờ ăn được thanh long trắng hay thanh long ruột đỏ trồng ở nơi khác nữa vì nó chua, nhạt nhẽo mà lại nhớt.
 
Ngay cả hoa quả loại khác nhà tôi cũng không bao giờ mua vì mùa mít tôi ăn mít nhà trồng, mùa nhãn tôi ăn nhãn nhà trồng, mùa vải tôi ăn vải nhà trồng, mùa bưởi tôi ăn bưởi nhà trồng, khi nào hết mùa thì thôi, kể cả có người mời nho Mỹ, bảo mấy trăm ngàn/kg tôi cũng không ăn vì không biết nguồn gốc của chúng thế nào”. Nhìn cơ ngơi khang trang giữa khu vườn bạt ngàn cây trái ấy, ít ai có thể tưởng tượng vợ chồng anh từng phải rời làng ra đồi hoang ở 20 năm về trước, chấp nhận cảnh đèn dầu tù mù vào mỗi buổi tối.
 
 
Anh "Bốn vịt" đang kiểm tra vườn thanh long
 
Anh kể: “Làm cái gì cũng phải đam mê mới được. Nếu không yêu nông nghiệp tôi sẽ không bao giờ ra đây. Đến 80% người thân, anh em bạn bè đều can, khó khăn lắm, mày ở nhà làm thế sao mà phải ra đồi hoang? Nói thật tôi lúc ra đây đang bị vỡ nợ 70 triệu bởi làm lò ấp trứng nhưng lại mải chơi, tương đương vài miếng đất hồi ấy. Tôi ra đây, mua cái hồ của chủ thầu trước với giá 30 triệu vẫn là tiền vay, mà toàn là vay tư nhân cả, bởi đi vay ngân hàng có 10 triệu thôi mà người ta không cho, nói mình nghe tức toét cả máu mắt. Lúc đầu tôi nuôi vịt trứng, vịt thịt nên ở đây gọi “Bốn vịt” mới biết chứ gọi là Hải không ai hay đâu...”.
 
Dưới ao thả cá, nuôi vịt còn trên bờ anh “Bốn vịt” trồng bạch đàn phủ kín quả đồi hoang. 10 năm miệt mài như thế nhưng không mấy hiệu quả kinh tế, một dịp anh lên Trạm khuyến nông huyện gặp anh Nguyễn Bùi Hải-Trạm trưởng và được khuyên chuyển hướng sang trồng thanh long ruột đỏ. Tò mò vì đối tượng cây trồng lạ lẫm này, anh đi với đoàn khuyến nông thành phố 2 buổi để xem người ta trồng như thế nào rồi về nhà hạ quyết tâm chặt hết đồi bạch đàn, bán được mấy chục triệu để trồng 2 ha thanh long ruột đỏ. Khi đó anh được khuyến nông hỗ trợ 30% cột trụ, 100% giống rồi lại còn cho vay cả vốn quỹ nữa.  
 
 
Vườn thanh long giờ đã được quan tâm, chăm sóc một cách khoa học
 
Liên tục từ năm 2013 đến năm 2019 anh “Bốn vịt” cứ thế thu hoạch thanh long mà không để ý đến cách chăm sóc, dọn vườn thường xuyên, những thảm thực vật bên dưới phát triển tự do, những tàn dư khi cắt cành cũng bị vứt lung tung. Tích tụ liên tục như thế bệnh thán thư mới bùng phát khiến cho anh định phá bỏ cả vườn thanh long. Nhưng khi biết chuyện đó, Trạm Khuyến nông Thạch Thất khuyên anh phải cố mà cứu chữa. Đơn vị mời Viện Bảo Vệ Thực vật về lấy mẫu phân tích, sau đó chuyển thuốc về dập bệnh ở trang trại.
 
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP cũng xếp trang trại của anh “Bốn vịt” vào, đưa cán bộ kỹ thuật xuống chỉ đạo từng khâu tỉ mỉ. Giờ diện mạo của trang trại đã khác hẳn, cỏ không còn ngập tràn dưới chân, trên trụ từng cây thanh long được tỉa tán rất đẹp nên quả ra đều. Mọi quy trình chăm sóc, bón phân gì, bón lúc nào, phun chế phẩm sinh học ra sao…tất cả đều được ghi chép vào sổ sách.
 
“Niêu cơm Thạch Sanh” của anh “Bốn vịt”
 
Anh Nguyễn Bùi Hải-Trạm trưởng kể Trạm Khuyến nông Thạch Thất: “Để giúp cho nông dân hướng đi dài hơn, chúng tôi tìm hiểu những hộ như anh “Bốn vịt” đã từ lâu lắm rồi. Đầu tiên họ có quỹ đất, có lao động nhưng lúc đầu chỉ có mấy con bò với đồi keo không hiệu quả mấy. Qua trao đổi thì anh cũng muốn trồng thanh long nhưng chưa định hình được từng đường đi, nước bước như thế nào nên Trạm mời đi thăm các nơi, tập huấn cho để biết được kỹ thuật, thị trường. Sau đó thì ông Nhung ở xã Kim Quan trồng thanh long ruột đỏ giống của Đài Loan, còn anh “Bốn vịt” trồng giống thanh long ruột đỏ Long Định của Việt Nam.
 
Từ năm 2013 đến 2018, các hộ trồng thanh long ruột đỏ trong huyện cứ thu tiền đều, như nhà anh “Bốn vịt” cả đồi keo trồng 10 năm mới thu được mấy chục triệu nhưng riêng 1 vụ thanh long đã được vài trăm triệu rồi. Trong quá trình theo dõi, tôi thấy cả hai vợ chồng đều cần cù, chịu khó, cứ cặm cụi làm rồi dần dần mới thuê lao động, thuê thêm đất để mở rộng quy mô, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật mới. Tài sản của họ giờ đây có 40 con bò, 7.000 con vịt đẻ, 3 ha ao cá, 2 ha thanh long…”
 
 
Mô hình khép kín tại trại, lấy phân bò bón cho thanh long, lấy lá, quả thanh long bị loại để nuôi bò.
 
Nghe anh Hải kể đến đây, anh “Bốn vịt” tiếp lời: “Cứ được đồng lãi nào tôi lại mua thêm đất nên giờ có hơn 5 ha trong đó có 5 mẫu là sổ đỏ của mình. Ngày đó còn khó có công ăn việc làm nên thuê nhân công rẻ và dễ chứ như khu đồi của tôi cơ ngơi như thế này, giờ có trải một lúc cả chục tỉ ra cũng không thể làm được. Kể từ khi khôi phục lại vườn thanh long, tôi được anh Đỗ Hoàng Thạch-Tổng Giám đốc Cty CP Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam, nơi tổ chức Trạm xanh (hệ thống trạm vật tư nông nghiệp thông minh) hỗ trợ trong việc mua men vi sinh về ủ cá, ủ phân. Trước đây tôi có dùng phân hóa học nhưng mấy năm nay vịt lúc nào cũng có 7.000-10.000 con, bò 40 con và cá tạp thì có nhiều tấn nên rất tiện làm dịch cá để phun tưới, còn phân vịt, phân bò thì tủ vào gốc cây.
 
Chăm sóc như thế giúp cho cây khỏe, quả ăn ngon lại an toàn và còn tiết kiệm 70-80 triệu tiền mua phân nữa. VietGAP tôi cũng áp dụng năm nay là năm thứ ba rồi. Nói thực, làm VietGAP hay không đều do cái tâm của chủ vườn cả. Tại sao tai thanh long ở trong Nam dài là do người ta dùng thuốc kích thích rồi vuốt cho nó đẹp, ở ngoài Bắc chúng tôi không có chuyện vuốt tai. Còn giờ đánh quả sao cho màu đẹp, kích cỡ to hơn chúng tôi cũng làm được nhưng không muốn thế mà để tự nhiên hết. Quả tuy mã không được đẹp như của người ta nhưng trước tiên an toàn cho nông dân, sau đó đến người thân và cuối cùng là người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm”.
 
 
Anh "Bốn vịt" chọn giống bò 3 B cho năng suất cao
 
Một chu trình khép kín đang được áp dụng ở đây là dùng cá tạp, phân bò, phân vịt bón cho cây thanh long, còn phụ phẩm như ngọn thanh long, quả loại lại cho bò ăn, không bỏ thừa một chút nào. Ngoài ra, anh còn tận dụng diện tích đồi người ta bỏ không để trồng cỏ, nuôi bò. Nhờ đó mỗi năm gia đình thu được 18-20 tấn thanh long, với giá bán trung bình trên 20.000đ/kg ngay tại vườn, được hơn 400 triệu, bò, cá bán được thêm khoảng 400-500 triệu nữa.
 
Tôi hỏi vui một câu, vừa rồi sốt đất thế sao anh không bán trang trại cho được giá, “Bốn vịt” chỉ cười: “Nói một câu cho nhanh, riêng 5 mẫu đất tôi mua được, nếu có ông nào vào trả 20, 30 tỉ cũng không thích, không bán, cứ sống đạm bạc như thế này, mỗi ngày thu gần 1 triệu là sướng. Nông dân như chúng tôi chỉ thích có mảnh đất để kiếm bát cơm, bát gạo, để cho con có nghề nghiệp không bị hư chứ không phải cứ cục tiền to rơi vào đầu là thích. Giữ đất để sản xuất thì của cải ngày càng tăng thêm, còn ngược lại nhiều nơi cứ bán đất được lắm tiền, ăn chơi một thời gian lại “chặt” ra bán tiếp, cuối cùng là không còn gì cả”.  
 

Tổng hợp: (Nguồn: Phùng Giang (Theo Báo NNVN))

Tag: Chuyện về người nông dân từng vỡ nợ có đồi thanh long bạc tỉ
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 1769
Tổng lượt truy cập: 2,602,958