Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 3463
Tổng lượt truy cập: 2,584,378

Bát Tràng phải trở thành một làng kiểu mẫu

03/02/2024 - Lượt xem: 9

Năm 1958 Nhà nước quyết định đào sông Bắc – Hưng - Hải, để đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của 3 tỉnh đồng bằng sông Hồng là Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Con sông cắt ngang qua làng cổ Bát Tràng, chia đội xã Quang Minh (xã Kim Lan và Bát Tràng bây giờ). Một nửa số hộ dân sống ở làng cổ Bát Tràng đã tình nguyện hiến đất, phá dỡ nhà cổ, lò nung gốm lâu đời di dời đến nơi ở mới.

Ngày 20 tháng 02 năm 1959, Bác Hồ đã về thăm làng gốm Bát Tràng; Bác thăm một số gia đình, thăm HTX Minh Châu. Bác ân cần thăm hỏi, động viên và tìm hiểu một số công đoạn sản xuất gốm sứ. Bác nhắc, sản xuất ra mặt hàng này phải thực hiện: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Muốn làm được như vậy phải có sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nói chuyện với cán bộ nhân dân làng Bát Tràng, Bác thay mặt Đảng, Chính phủ hoan nghênh nhân dân Bát Tràng đã góp phần xây dựng công trình đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải. Bác biểu dương nhân dân và nhắc nhở xã cần chú ý đến đường xá, giao thông, trồng cây để tạo môi trường trong lành. Cuối cùng Bác căn dặn: “Làng Bát Tràng mới phải trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, hơn 60 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bát Tràng luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, nhân dân Bát Tràng từng bước mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng với quá trình đổi mới, sự vận động khách quan của cơ chế thị trường . Ở thời điểm đó giá trị hàng gốm sứ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Thành phố. Các mô hình sản xuất kinh tế của các hộ gia đình phát triển mạnh mẽ, đa dạng về chất lượng, chủng loại, đáp ứng tốt nhu cầu thị hiếu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ năm 2002 với việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò gas vào sản xuất gốm sứ đánh dấu một bước đột phát trong quy mô, tổ chức, hiệu quả sản xuất gốm sứ của Bát Tràng, giúp địa phương khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nung bằng than, đồng thời tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Gốm sứ của Bát Tràng ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn: Pháp, Nhật, Ý, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ... Bên cạnh những thuận lợi, gốm sứ Bát Tràng cũng chịu ảnh hưởng lớn từ sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm gốm sứ Trung Quốc, gốm sứ từ các vùng miền khác trong nước. Do vậy, Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, định hướng cho người dân tiếp tục duy trì sản xuất, sáng tác mẫu mã mới đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã nghiên cứu phục chế gốm cổ đời Lý, đời Trần, đời Mạc...; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc trưng truyền thống Bát Tràng.
Nhằm động viên và ghi nhận những công lao đóng góp, cống hiến trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của địa phương, Nhà nước, Thành phố Hà Nội, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã vinh danh và trao tặng danh hiệu Nghệ nhân cho gần 140 người con ưu tú của Bát Tràng trong đó 2 Nghệ nhân nhân dân; 7 Nghệ nhân ưu tú; 27 Nghệ nhân Hà Nội và hơn 100 Nghệ nhân làng nghề, Nghệ nhân dân gian....Bát Tràng trở thành địa phương nhiều nghệ nhân nhất trong cả nước. Những năm gần đây cùng với phát triển sản xuất kinh doanh, Bát Tràng cũng trở thành một trong những điểm du lịch, văn hoá làng nghề được nhiều khách quốc tế và trong nước biết đến. Mỗi năm Bát Tràng đón khoảng gần 2000 đoàn với trên 2 vạn khách thăm quan, du lịch, ký kết các hợp đồng kinh tế tại địa phương, trong đó có xã hội của địa phương phát triển mạnh. Xã có trên 200 doanh nghiệp và hơn 1000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5000 lao động của địa phương và tạo việc làm cho trên 4000 lao động ở nơi khác đến làm việc hàng ngày. Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2022 ước đạt trên 2000 tỉ đồng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị vững mạnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ khi người về thăm Bát Tràng ngày 20 tháng 02 năm 1959, Đảng bộ và nhân dân xã Bát Tràng đã bám sát các tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới, khôi phục phát triển làng nghề, chương trình OCOP, xây dựng quy hoạch tổng thể của địa phương, từng bước xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí. Năm 2009, UBND Thành phố Hà Nội công nhận 02 làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và Giang Cao là làng nghề gốm sứ truyền thống Hà Nội. Năm 2015, UBND Thành phố công nhận xã Bát Tràng là xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2020 xã đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao, Nghề gốm làng Bát Tràng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2023 xã Bát Tràng đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí để đề nghị công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu.
Được sự quan tâm của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội, huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng là một trong 2 địa phương được Thành phố lựa chọn thực hiện Đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với văn hoá du lịch, quy hoạch, đầu tư một cách đồng bộ để Bát Tràng trở thành điểm thăm quan du lịch làng nghề đạt chuẩn quốc tế của Thủ đô và cả nước. Giúp Bát Tràng bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống của làng nghề, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đó chính là niềm tin, niềm hy vọng để nhân dân Bát Tràng thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, để Bát Tràng trở thành làng kiểu mẫu của Thủ đô và cả nước.


Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Bát Tràng phải trở thành một làng kiểu mẫu
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE