Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 8607
Tổng lượt truy cập: 35,198,936

Bất cập quy định tỷ lệ % nguyên liệu địa phương trong thang điểm OCOP

15/11/2022 - Lượt xem: 717

Qua những đợt chấm điểm OCOP tôi thấy một bất cập nổi lên là chuyện quy định tỷ lệ phần trăm nguyên liệu có nguồn gốc địa phương, vậy cụ thể chuyện đó thế nào thưa ông?

Nhóm thứ nhất theo Quyết định 781 của Thủ tướng Chính phủ là thực phẩm tươi sống và thực phẩm thô, sơ chế, yêu cầu nguồn gốc của nguyên liệu địa phương phải đạt từ 75% trở lên. Riêng lĩnh vực tươi sống thì tôi đồng ý, đã liên kết vùng thì phải chế biến sâu, nếu chỉ đem sản phẩm thì tỉnh khác về, bán thô hay sơ chế thì không hợp lý. Và Hà Nội cũng không còn những sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, ngay trong nhóm này, nếu địa phương sản xuất mà không có đầu ra nhưng các đơn vị ở Hà Nội lại có đầu ra dồi dào, cũng nên xem xét, không nên cứng nhắc 75% nguyên liệu địa phương.

Nhóm thứ hai như thực phẩm chế biến, đồ ăn nhanh, gia vị, chè, ca cao và dược liệu yêu cầu nguồn gốc nguyên liệu địa phương từ 50% trở lên thì không phù hợp. Ví dụ như chè, cà phê, khi các đơn vị của Hà Nội liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh và đưa về Hà Nội chế biến và làm thương hiệu tạo ra những sản phẩm khác biệt, tốt hơn, thế nhưng lúc chấm điểm OCOP lại yêu cầu nguyên liệu địa phương chiếm đến 50% là rất khó khăn. Hà Nội có nhiều sản phẩm trà chuyển đi các tỉnh, và ngược lại có nhiều sản phẩm trà của các tỉnh chuyển về Hà Nội sơ chế lại, đóng bao bì, nhãn mác, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, nếu đem những sản phẩm đó ra chấm điểm OCOP thì không phù hợp với quy định trong Quyết định 781.


Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội hỏi một chủ thể tại một cuộc trưng bày sản phẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tất cả những tồn tại đó trong Quyết định 1048, 781 thuộc giai đoạn năm 2018-2020, chúng tôi đã ý kiến bằng văn bản về vấn đề này. Còn giai đoạn mới với Quyết định 919 thì còn chưa có hướng dẫn để thực hiện nhưng tôi hi vọng sẽ thay đổi được vấn đề trên bởi chúng ta cần phải có liên kết vùng, tạo phát triển kinh tế. Như nhóm thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, Hà Nội có 318 làng nghề được công nhận trong tổng số 1.350 làng có nghề, cơ bản nguyên liệu chính đều phải nhập từ các tỉnh. Nếu cứ khống chế tỷ lệ như thế thì tôi thấy rất khó khăn.

Ngay như sản phẩm chế biến miến của Minh Khai, Dương Liễu thuộc huyện Hoài Đức, làng So xã Tân Hòa thuộc huyện Quốc Oai thì tất cả nguyên liệu đều phải nhập từ các tỉnh, thành khác. Như công nghệ chế biến miến của Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương, hiện chưa có một đơn vị nào vượt qua được, chất lượng rất tốt tuy nhiên đi thi, chấm điểm OCOP, do tỷ lệ của nguồn gốc nguyên liệu nên không thể đạt được thứ hạng cao. Đó cũng là một điều thiệt thòi dù chính Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương đã hỗ trợ đơn vị khác về tổ chức sản xuất , sản phẩm dự thi cũng đạt thứ hạng cao trong chương trình OCOP. Những sản phẩm trên tham gia OCOP nhưng điểm thấp hơn bình thường là bất hợp lý. Chấm điểm OCOP mà cứ theo một cách cứng nhắc tỷ lệ phần trăm nguyên liệu thuộc địa phương như trên sẽ triệt tiêu liên kết vùng mà Trung ương và Hà Nội đang khuyến khích.

Hiện thành phố đang có 4 sản phẩm của Công ty Gốm sứ Quang Vinh đạt OCOP 5 sao và 1 sản phẩm gốm của Tân Hằng đã có giấy hẹn 5 sao, tất cả đều là đồ thủ công mỹ nghệ, nằm ở nhóm 5 nên chỉ cần có sử dụng nguyên liệu của địa phương thôi chứ không ra đưa tỷ lệ như nhóm kia.


Một buổi chấm điểm, xếp hạng OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Được biết thành phố khi xếp hạng OCOP đang hạn chế những nhóm sản phẩm tươi sống, thô, chưa qua chế biến có đúng không thưa ông?

Hà Nội hiện nay không ưu tiên chứ không phải là hạn chế những nhóm sản phẩm tươi sống, thô, chưa qua chế biến bởi Hà Nội có trên 1 vạn sản phẩm đã cấp mã QRcode trong đó cỡ 1/3 là sản phẩm chế biến. Tại sao chúng tôi không ưu tiên nhóm sản phẩm tươi sống bởi mấy lý do: Từ người sản xuất đến phân phối nếu chỉ bán cho khách hàng trong địa bàn thành phố không thôi, dùng ngay thì không sao, nhưng qua hệ thống phân phối, rất khó khăn trong việc làm logistic vì tình trạng sáng tươi, trưa héo, chiều úa, tối bỏ đi hoặc sale sập giá. Lúc đó sẽ tạo tâm lý với người tiêu tại sao lại bán giá cao nhưng không bán cao như thế sẽ không bù được số hàng bị xuống chất lượng, phải bán rẻ hoặc bỏ đi. Đồng thời gây ra sự mất lòng tin của người sản xuất với hệ thống phân phối bởi tôi bán cho anh rẻ mà anh lại bán cao thế. 

Sản phẩm tươi sống như thế thường là của những hộ sản xuất hay hợp tác xã chưa bắt kịp với xu thế, chưa tiếp cận được với công tác xúc tiến thương mại. Chính vì vậy chúng tôi thúc đẩy những nhóm nông sản chế biến, nhóm thảo dược, nhóm thủ công mỹ nghệ, nhóm du lịch, đặc biệt khuyến khích nhóm chế biến và chế biến sâu bởi chỉ có thế mới bảo quản tốt được nông sản, tạo giá trị gia tăng cao, không rủi ro cho chính người sản xuất, logistic, hệ thống phân phối và người tiêu dùng sẽ sử dụng được sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, khi đã chế biến rồi phải tuân thủ những quy định về cơ sở chế biến ra sao, bảo quản thế nào, nhờ đó sẽ tạo ra sản phẩm tốt hơn.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại một buổi chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiệu ứng trước và sau khi được công nhận OCOP thế nào thưa ông? Và có công cụ gì để đo đếm điều đó?

Để đánh giá chính thức điều đó thì chưa, nhưng sản phẩm được công nhận OCOP sau 36 tháng sẽ phải đánh giá lại. Sau khi được công nhận, OCOP chúng tôi sẽ đi kiểm tra xem cách thực hiện nguyên liệu đầu vào ra sao, xúc tiến thương mại kiểu gì, có vi phạm gì không…Nếu như chủ thể thực hiện không đúng sẽ bị nhắc nhở, thậm chí thu hồi chứng nhận OCOP. Sự kiểm tra đó cũng là một nội dung để sau 36 tháng chúng tôi đánh giá lại. Nếu được cấp lại chứng nhận thì đó là  điều tốt. Có những chủ thể khi tham gia đánh giá xếp hạng OCOP chỉ sau 1 năm thay đổi toàn bộ công nghệ, không chỉ liên kết ở trong Hà Nội mà còn các tỉnh thành khác.

Tuy nhiên đây đó vẫn còn những chủ thể thực hiện chưa được tốt sau khi được xếp hạng OCOP như yếu kém trong xúc tiến thương mại dù chúng tôi đã thành lập những nhóm riêng để tập huấn, đào tạo về xúc tiến thương mại, chuyển đổi số cho họ. Những trường hợp yếu kém đó chúng tôi sẽ cân nhắc xem có nên đề xuất công nhận lại OCOP hay không? Giai đoạn 1 của chương trình OCOP là khuyến khích sự tham gia của các chủ thể vì đó là cái mới, đến giai đoạn 2 chúng tôi sẽ tập trung để rà soát, đặc biệt là lúc công nhận lại.

Xin cảm ơn ông!


Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo báo NNVN)

Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE