Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 68157
Tổng lượt truy cập: 9,826,483

Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam

15/07/2024 - Lượt xem: 50

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024, chiều ngày 12/7, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Viện nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam".

 Hoa sen không chỉ có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo mà còn là cây trồng đa giá trị, có giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng rất cao, hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, làm dược liệu, làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may và đem lại giá trị kinh tế cao.

Việt Nam có rất nhiều loại sen đã được trồng, tùy mục đích sử dụng mà người ta trồng giống sen khác nhau, trên những chân đất khác nhau... Trong đó, có vùng rõ rệt, cũng có 3 loại sen, đặc trưng cho mỗi vùng miền. Miền Nam có sen hồng Đồng Tháp; miền Trung có sen trắng Huế; miền Bắc có sen bách diệp hồ Tây. Đặc biệt, sen bách diệp hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển. Gọi là bách diệp bởi 1 bông sen có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Từ sen bách diệp, người dân Tây Hồ khéo léo ướp trà sen Tây Hồ - sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Tây Hồ trở thành món quà đặc biệt, được nhiều người yêu thích, lựa chọn cho gia đình, bạn bè.


Toàn cảnh Hội thảo 

 Tại hội thảo, với mục tiêu là bảo tồn và phát triển hoa sen trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, đại diện các tỉnh, thành phố đã tập trung đánh giá thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển sen trên địa bàn Hà Nội; bảo tồn phát triển sen Tây Hồ trong hệ sinh thái sen Việt Nam; Kinh nghiệm khai thác giá trị kinh tế sen gắn với văn hóa du lịch của một số tỉnh, thành phố; trao đổi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm từ sen của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội - Nguyễn Đình Hoa, toàn thành phố hiện có hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương: Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Quốc Oai… Hà Nội cũng có nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà thành. Trong đó, có 18 sản phẩm từ cây sen được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất. “Khăn lụa tơ sen” của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia. Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...

Cũng tại hội thảo, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội tổ chức lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhà khoa học, nhà quản lý và các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sen, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen.

Ban tổ chức Hội thảo mong muốn, sau hội thảo sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh phát triển Sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương. Đồng thời xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm Sen, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.

Các nghệ nhân sẽ có những thiết kế sản phẩm mới từ sen phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sen tại làng nghề nông thôn. Đặc biệt, các nghệ nhân sẽ tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm sen trong chuỗi sản phẩm làng nghề Hà Nội gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.


Tổng hợp: Thanh Tuyền (Nguồn: Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)

Tag: Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 68157
Tổng lượt truy cập: 9,826,483