Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 52584
Tổng lượt truy cập: 7,708,393

Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam

15/07/2024 - Lượt xem: 33

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp UBND quận Tây Hồ, Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam

 Phát triển chuỗi giá trị từ Sen

Với mục tiêu là bảo tồn và phát triển sen Việt Nam, các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, đại diện các tỉnh, thành phố đã tập trung đánh giá thực trạng và đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển sen trong thời gian tới.


Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam.

 Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, để bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc và giá trị kinh tế của sen Hà Nội. Hà Nội đã mở rộng các vùng trồng sen ở nhiều quận, huyện, thị xã, đến nay có khoảng hơn600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như: Mỹ Đức 188ha, Ba Vì 70ha, Mê Linh 65ha, Phúc Thọ 25ha, Ứng Hòa 25ha, Bắc Từ Liêm 25ha, Tây Hồ 19,6ha, Quốc Oai 18ha… Theo đó, Hà Nội có rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành:Lũy kế đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.723 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.

Đặc biệt, có sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất và sản phẩm “Khăn lụa tơ sen” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm...


Để bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc và giá trị kinh tế của sen Hà Nội. Hà Nội đã mở rộng các vùng trồng sen ở nhiều quận, huyện, thị xã... Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết

 Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có 3 miền, vùng rõ rệt, cũng có 3 loại sen, đặc trưng cho mỗi vùng miền. Miền Nam có sen hồng Đồng Tháp; miền Trung có sen trắng Huế; miền Bắc có sen bách diệp hồ Tây. Đặc biệt, sen bách diệp hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển.


Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng phát biểu tham luận tại hội nghị.

 Nói về sen bách diệp hồ Tây, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, gọi là bách diệp bởi 1 bông sen có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Từ sen bách diệp, người dân Tây Hồ khéo léo ướp trà sen Tây Hồ - sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Tây Hồ trở thành món quà đặc biệt, được nhiều người yêu thích, lựa chọn cho gia đình, bạn bè.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, quản lý khai thác công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Nhãn cho biết, địa phương đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đưa sen từ ngành hàng tiềm năng thành ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, các bộ phận từ cây sen Huế đã được chế biến thành các món ăn mang đậm hình ảnh, văn hóa ẩm thực xứ Huế, như gỏi ngó sen, trà hoa sen Huế, hạt sen, mứt củ sen; sản lượng ước đạt khoảng 1.200-1.400 tấn hạt/năm.

Diện tích trồng sen bị thu hẹp

Tại hội nghị, PGS.TS. Đặng Văn Đông (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho hay, phát triển sen còn nhiều hạn chế là do hiện nay các đầm sen chưa có cơ chế giao khoán rõ ràng, chưa có chủ nhân thực sự cùng với đó có những người chủ lại ít tâm huyết với cây sen, không đầu tư thích đáng vật tư, công sức cho việc chăm sóc cây sen, do vậy năng suất thấp hiệu quả thu được không đáng kể.


PGS.TS. Đặng Văn Đông (Viện Nghiên cứu Rau quả) chia sẻ tai hội thảo.

 Hơn nữa, với tính của cây sen là yêu cầu cả đất và nước đều phải sạch, không ô nhiễm. Tuy nhiên nguồn đất và nước ở nhiều nơi đều bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chưa được kiểm soát hết, do vậy đã làm cho cây sen khó có thể sống nổi, nếu không có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, quản lý khai thác công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp Trần Văn Nhãn cho biết, hiện nay, bộ giống sen còn ít, chủ yếu là các giống sen bản địa, truyền thống; chủng loại giống đơn điệu, hoa cánh mỏng và không bền, thời gian thu hoạch ngắn, giống được sử dụng qua nhiều năm đã bị thoái hóa. Một số loại bệnh trên cây sen ở các vùng chuyên canh chưa có giải pháp khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến năng suất.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng chưa được đầu tư, làm mới, kinh phí đầu tư còn ít, chưa có nhiều giải pháp tiếp cận, khai thác tốt giá trị văn hóa, môi trường sinh thái từ sen để hấp dẫn khách du lịch; giải pháp truyền thông quảng bá của các chủ cơ sở còn đơn điệu. Trình độ ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao, chưa tận dụng khai thác tối đa các phụ phẩm từ cây sen; các sản phẩm từ sen trên thị trường hiện nay giá trị gia tăng chưa cao, sức cạnh tranh chưa lớn.


Các đại biểu trao giấy chứng nhận hợp tác phát triển nghề trồng sen và các sản phẩm liên quan đến sen.

 Để sen phát triển bền vững

 Để bảo tồn và phát triển sen một cách bền vững, PGS.TS. Đặng Văn Đông cho rằng: cần có sự tham gia và hành động cụ thể từ các cơ quan quản lý, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng. Các cơ quan quản lý nên tập trung vào việc xây dựng và thực thi các chính sách bảo tồn phát triển một cách cụ thể, bao gồm ban hành các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo tồn phát triển sen.

Đặc biệt, cần kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng nước để cho cây sen phát triển. Cần quản lý chặt chẽ nguồn xả thải từ công nghiệp và sinh hoạt. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp và khu dân cư cần tuân thủ các quy định về xử lý nước thải, đảm bảo không xả thải trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý. Thực hiện việc thiết lập hệ thống quan trắc nước tự động và kiểm tra định kỳ các chỉ số về môi trường.

Theo ông Trần Văn Nhãn đề xuất: Cần có bảo tồn giống, nghiên cứu giống trồng sen, quy hoạch vùng trồng và phát triển các kỹ thuật cho việc trồng và khai thác các sản phẩm khác nhau (chuẩn hóa đa dạng hóa giống sen đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ như sen lấy củ, lấy thân, lấy lá, lấy gương). Tăng cường tạo các sản phẩm thứ cấp từ cây sen để nâng giá trị hàng hóa của cây sen.

Ngoài ra, tăng cường liên kết sản xuất kết hợp khai thác du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Kết hợp khai thác phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội; các đơn vị lữ hành du lịch cần hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình, người dân phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới gắn với sen sao cho phù hợp với mọi đối tượng khách trong nước và quốc tế.


Một số các sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao được giới thiệu tại hội thảo.

 Hà Nội cũng sẽ xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách tham quan du lịch, trải nghiệm sen; bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Hoa bày tỏ mong muốn các nghệ nhân sẽ có thiết kế sản phẩm mới từ sen phù hợp thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sen tại làng nghề nông thôn; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm sen trong chuỗi sản phẩm làng nghề Hà Nội gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế.


Tổng hợp: Thanh Tuyền (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt Nam)

Tag: Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE