Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 681
Tổng lượt truy cập: 2,904,998

Tỉnh Thái Nguyên: Xây dựng Nông thôn mới thông minh gắn với phát triển sản phẩm OCOP

25/11/2023 - Lượt xem: 95

Phát huy những thành tựu đã đạt được của hoạt động xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Trong đó, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới thông minh.

Thực hiện mô hình "xã Nông thôn mới thông minh", thời gian qua, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực áp dụng chuyển đổi số vào chương trình xây dựng Nông thôn mới và đạt nhiều kết quả tích cực, đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao.

Theo Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xây dựng Nông thôn mới đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, về việc xây dựng chính quyền điện tử, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của huyện Phú Lương ở mức khá; tỉ lệ UBND cấp xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%. Bên cạnh đó, 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; tỉ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 99,53%.

Đặc biệt, người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số. Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, có 11/13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Hiện toàn huyện đã cấp mã QR cho trên 100 sản phẩm để truy xuất nguồn gốc nông sản.

Bên cạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương cũng có nhiều chuyển dịch tích cực và chú trọng đầu tư cho nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần tăng thu nhập cho người dân một cách bền vững. Hiện toàn huyện Phú Lương có 14 xóm Nông thôn mới kiểu mẫu.

Một trong những địa phương điển hình về xây dựng Nông thôn mới thông minh trên địa bàn huyện Phú Lương chính là xã Tức Tranh, ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã Nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử, Tức Tranh đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tính đến tháng 6/2023, số hồ sơ được giải quyết trực tuyến là 2.169/2.180, tương đương 99,4%. Trong quá trình nộp hồ sơ, người dân được đánh giá mức độ hài lòng qua phiếu đánh giá. Công tác điều hành của chính quyền đang thực hiện thông qua hệ thống chính quyền điện tử Thái Nguyên.

Để tạo thuận lợi cho người dân liên hệ công tác, xã thực hiện công khai thông tin số điện thoại của cán bộ chính quyền xã. Trên địa bàn xã cũng có 19 tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng địa chỉ số. Hiện nay, 100% cán bộ xã, cán bộ xóm sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng ứng dụng Zalo, fanpage, Facebook để chia sẻ thông tin, kết nối, tương tác và nhận phản hồi của người dân.

Không chỉ đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên cũng tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Theo đó, trà chính là sản phẩm chủ lực được các hộ kinh doanh, hợp tác xã bán trên kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada…

Xã Tức Tranh hiện có 15/19 làng nghề sản xuất chè; 8 Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè và 16 Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP, 2 Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ; xã có 7 sản phẩm OCOP; các sản phẩm đã được bán trên kênh thương mại điện tử. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,5 triệu đồng/người (năm 2022). Ngoài ra, xã cũng có mô hình sản xuất chè hữu cơ đang định hướng phát triển gắn với du lịch sinh thái.

Để phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương, xã đã thực hiện mô hình xóm thông minh tại Khe Cốc, người dân tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, triển khai mô hình chợ thông minh (chợ không dùng tiền mặt), các nhà trường thu các khoản đóng góp qua tài khoản… Tỉ lệ người dân sử dụng thanh toán trực tuyến hiện đạt 50%.

Có được những kết quả này, theo ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, thời gian qua xã đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, thực tế và luôn bám sát hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn. Địa phương thường xuyên cập nhật các văn bản từ các bộ, ngành, các cấp có liên quan để xây dựng mô hình theo đúng định hướng chuyển đổi số.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tạo ra phong trào đoàn kết xây dựng Nông thôn mới thông minh, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân. Địa phương cũng thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho cán bộ thực hiện và Nhân dân trên địa bàn xã, để giúp nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới.

Đặc biệt, xã vừa triển khai thực hiện, vừa đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến tham gia, góp ý của các đơn vị, các ngành, người dân để kịp thời điều chỉnh mô hình cho phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Theo Phòng Kinh tế huyện Phú Lương, để thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới Nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, huyện phấn đấu có 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử, 70% mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số

 

Tổng hợp: Nguyễn Hưởng (Nguồn: Theo Báo TTTĐ)

Tag: Tỉnh Thái Nguyên: Xây dựng Nông thôn mới thông minh gắn với phát triển sản phẩm OCOP
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE