Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 2610
Tổng lượt truy cập: 2,574,715

Thanh Trì: Giấc mơ làng nghề

13/08/2023 - Lượt xem: 47

Sâu thẳm trong trái tim của những người làm nghề thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, giấc mơ về một làng nghề vẫn thắp sáng, ngọn lửa ấy vẫn luôn rực sáng trong hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới gắn với các làng nghề truyền thống

Trong ánh nắng vàng của chiều thu Hà Nội, phóng viên chúng tôi về thăm làng nghề nón thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng. Đây là một trong những làng nghề danh tiếng Hà Nội. Trải qua thăng trầm, làng nghề là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của những giá trị văn hoá lâu đời.

Làng nghề nón lá truyền thống tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng đã có lịch sử hàng trăm năm. Năm 2020, các hộ sản xuất trong làng đã thống nhất thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ Nón lá Vĩnh Thịnh, theo Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề của Thành phố Hà Nội.

Trước đây bà con sản xuất ở hộ quy mô nhỏ, không có điểm trưng bày sản phẩm. Nhưng ngày nay, ở làng nghề mọi người tự đảm đương tất cả các khâu từ thu mua nguyên liệu, đến sản xuất và tiêu thụ. Mọi người có sự phân công tự nhiên. Như có sự tương tác người làm khung, người là lá, người khâu nón, người chỉ độc nhất thu mua phân phối.

Bà Nguyễn Thị Lan, năm nay ngót nghét 60 tuổi đời cũng là hơn 50 năm tuổi nghề, vẫn bền bỉ công việc khâu nón như thời con gái, bộc bạch: “ Làm nón cũng dễ lắm, tự học là làm được ngay trong thôn này đứa trẻ mới lớn nhìn cũng có thể làm được, không cần chỉ dạy”.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Vĩnh Thịnh, dường như nghề làm nón đã ngấm vào máu trưởng thôn Nguyễn Bá Kỵ, là đời thứ 4 theo nghề làm nón, năm lên 8 tuổi đã được bố mẹ chỉ dạy, tự học và tự nâng cấp sản phẩm. Nón lá từ năm này qua năm khác là thế nhưng hiện nay đã được thay đổi, người dân còn thêu những hoạt tiết về văn hóa, về cuội nguồn nên chiếc nón lá, nhằm tạo sự khác biệt.

Say nghề, yêu nghề gắn bó với nghề ,vì thế những người làm nghề tại nơi đây vẫn luôn ấp ủ ước mơ chiếc nón lá Vĩnh Thịnh sẽ được nhiều người biết đến chắp cánh bay cao.

Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó chủ tịch xã Đại Áng chia sẻ; Năm 2020, làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Năm 2023 xã Đại Áng được công nhận điểm du lịch đầu tiên của huyện Thanh Trì cùng với xã Yên Mỹ. Đây là bước ngoặt lớn trong chương trình xây dựng nông thôn mới và mở ra hướng mới cho xã phát triển du lịch làng nghề. Đồng thời, là điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến du lịch trên địa bàn huyện và kết nối du lịch với các địa phương lân cận, tương lai huyện Thanh Trì phấn đấu sẽ là điểm đến du lịch “an toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.

Nhờ sự cố gắng của cả tập thể thôn Vĩnh Thịnh về duy trì và giữ nghề mà giấc mơ đưa Đại Áng trở thành điểm phát triển du lịch sầm uất trong tương lai không còn xa nữa. Những danh hiệu, giải thưởng như chứng nhận OCOP 4 sao đã tạo thêm tiếng tắm cho nghề nón phát triển. Nhưng điều đó không đủ để khỏa lấp sự vui sướng hân hoan của những người nghệ nhân gắn bó với nghề. Mà điều cuối cùng đó là giấc mơ phát triển hơn trong tương lai.

Theo Trưởng phòng kinh tế huyện Thanh Trì bà Nguyễn Thị Tuyết Anh: Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thanh Trì thực hiện kép 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng là đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường song song với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ngày 18/4/2023, UBND Thành phố đã có quyết định số 2277/QĐ – UBND công nhận 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay 15/15 các xã của huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.

Phát triển nâng cấp các sản phẩm làng nghề

Chính nhờ vào sự phát triển của các làng nghề như: làng nghề miến dong và bánh đa Phú Diễn, xã Hữu Hòa; làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà; làng nghề dệt Triều Khúc, xã Tân Triều; làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng. Và các làng nghề rượu Ngâu, thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp; làng nghề sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am, xã Liên Ninh; làng nghề may thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng đã tạo đà cho kinh tế của huyện phát triển. Trong đó có 7/7 làng nghề đã được UBND huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường và 5/7 làng nghề được xây dựng thương hiệu, cấp nhãn hiệu tập thể.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho rằng, hực hiện Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề trên địa bàn TP, UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch về phát triển làng nghề trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các xã triển khai thực hiện nhằm bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của các làng nghề.

Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với UBND các xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm vận động người dân bảo tồn, gìn giữ nghề và làng nghề của địa phương; tuyên truyền các quy định trong công tác ATTP.

Bên cạnh đó, huyện đầu tư, khuyến khích các làng nghề tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đến nay, UBND huyện Thanh Trì đã hỗ trợ 1 hệ thống xử lý nước RO để phục vụ lọc tạp chất của rượu tại làng nghề rượu Ngâu, xã Tam Hiệp; hỗ trợ 2 máy hút chân không cho làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà.

Ngoài ra huyện còn tổ chức cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn đến tham quan mô hình sản xuất, học tập kinh nghiệm tại các làng nghề khác trên địa bàn TP.

Đồng thời phối hợp với các sở, ngành tư vấn, hỗ trợ các xã lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các làng nghề. Huyện cũng đã xây dựng và duy trì 3 điểm trưng bày, giới thiệu và cung ứng sản phẩm có truy suất nguồn gốc. Mở rộng kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP trong khu vực. Mục tiêu phấn đấu, năm 2023 huyện có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT TP Hà Nội cho biết, thành phố có 30 quận, huyện, thị xã trong đó có 18 huyện, thị xã với 382 xã xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến nay Thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới mới, 3 huyện đang đề nghị Hội đồng trung ương đánh giá, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Phấn đấu đến năm 2025, TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 2000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng sản phẩm

 

Tổng hợp: Khánh Chi (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Thanh Trì: Giấc mơ làng nghề
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE