Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5055
Tổng lượt truy cập: 2,883,646

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: Cần cơ chế hỗ trợ đặc thù

30/11/2023 - Lượt xem: 39

Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đang gặp nhiều khó khăn. Để phát triển đòi hỏi các bộ ngành, địa phương cần cơ chế đặc thù thay vì chỉ có chính sách ưu tiên.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 30.000 HTX, trong đó, khoảng 60% là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ trước đến nay, nhóm HTX nông nghiệp vẫn luôn được nhìn nhận là một tổ hợp nhỏ lẻ, manh mún, ít tiềm lực kinh tế. Và thực tế, hoạt động của các HTX nông nghiệp hiện vẫn đứng trước nhiều rào cản.

Ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, việc tích tụ đất đai và phát triển hạ tầng của HTX hiện gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc HTX phải tự bỏ tiền ra để làm đường bê tông vào khu sản xuất.

Nguồn nhân lực cũng là vấn đề được đại diện HTX rau quả sạch Chúc Sơn đề cập. Hiện, HTX này có 7 kỹ sư, nhưng việc mời thêm các bạn trẻ về làm việc rất khó khăn. “Ví dụ như lĩnh vực marketing hay nhân viên kinh doanh, HTX sẵn sàng trả lương 10 triệu đồng/tháng nhưng vẫn khó thu hút được lao động…” - ông Thám chia sẻ. 

Cả nước hiện có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất - kinh doanh và trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp. 

Nhiều năm trước, HTX nông nghiệp Bản Dao (tỉnh Hòa Bình) được thành lập với mục đích phát triển mô hình kinh tế bền vững, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm làm ra cho người lao động. Từ khi thành lập, HTX được tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ nhà nước nên có nhiều sản phẩm chất lượng. Doanh thu liên tục tăng qua các năm.

Tuy vậy, khó khăn đối với HTX nông nghiệp bản Dao chưa phải đã hết. Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch HĐQT HTX chia sẻ, rào cản lớn nhất đối với HTX hiện tại là công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại, bởi “với người nông dân thì việc cập nhật thông tin này hơi chậm, nghèo về kiến thức”.

Ông Võ Văn Vang - Giám đốc Vùng nguyên liệu An Giang (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, đơn vị đang liên kết với gần 100 HTX. Trong số này, có những HTX đủ mạnh, nhưng cũng có nhiều HTX chưa tương xứng, quy mô nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Điều này đặt ra đòi hỏi cần thiết phải nâng tầm, kết nối liên kết HTX để phát triển bền vững vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Theo nhận định của TS Đỗ Mạnh Khởi - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT), từ ngày 1/7/2024, Luật HTX năm 2023 có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ chế để HTX phát triển mạnh mẽ. Sở dĩ vậy là bởi Luật HTX năm 2023 có nhiều quy định mới hơn so với luật hiện hành. Trong đó, đáng chú ý là chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn.

“Luật trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Khi HTX được rộng cửa cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra xã hội thì hoạt động năng động, hiệu quả hơn…” - TS Đỗ Mạnh Khởi nhìn nhận.

Trong khi đó, TS Vũ Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp, cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển bền vững.

“Cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách, tạo động lực để HTX nông nghiệp tự thân phát triển bền vững cũng là giải pháp theo cá nhân tôi đánh giá là quan trọng và cần thiết…” - TS Vũ Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm.

Đánh giá vai trò của Luật HTX năm 2023, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, đây sẽ là động lực để các mô hình HTX, đặc biệt là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên theo bà Vân, cái yếu của HTX là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối; hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là quản trị.

“HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. Trên thế giới, vai trò của HTX rất quan trọng. Tại Hà Lan, thành viên HTX gấp 3 lần dân số, một người làm thành viên nhiều HTX. Còn ở Hàn Quốc, mô hình HTX có nhiều thành viên, giáo viên, phụ huynh học sinh là thành viên HTX. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý…” - bà Cao Xuân Thu Vân nêu ví dụ.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng nhấn mạnh, HTX phát triển bền vững mới giúp nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún, tự phát như hiện nay. HTX phải biết khắc phục những “điểm nghẽn” để phát triển, mà câu chuyện này rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương.

“Quan điểm của Bộ NN&PTNT là quan tâm bao nhiêu nông dân trong khu vực HTX, càng nhiều nông dân tham gia vào HTX thì càng nhiều hộ được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước, trong đó có chiến lược phát triển bền vững. HTX là công cụ phát triển nông nghiệp bền vững, có thể khắc phục được công nghệ, vốn, thị trường…” - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh.

 

Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo Báo KTĐT)

Tag: Phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã: Cần cơ chế hỗ trợ đặc thù
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE