Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 413
Tổng lượt truy cập: 2,904,730

Những chủ thể làm khởi sắc nông thôn mới huyện Chương Mỹ

10/08/2023 - Lượt xem: 59

Những người nông dân ở huyện Chương Mỹ ( Hà Nội) đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn gắn với tăng trưởng xanh, nông nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường.

Tình yêu và gắn bó với nghề mây tre đan từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh (58 tuổi), thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, đã lập Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang, tạo việc làm cho hàng chục người có cùng tình yêu với sản phẩm mỹ nghệ.

Nhiều năm nay, vì tình yêu và gắn bó với nghề mây tre đen từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đã giành những giải thưởng cao trong cuộc đời chinh phục nghề, từ những sợi mây, sợi tre cứng cáp, thô cằn mà ông đã sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo, mới lạ thích thú nhiều người tiêu dùng khó tính. Thành lập công ty TNHH mây tre đan Việt Quang, cơ sở của ông đã tạo việc làm cho hàng chục người lao động có tay nghề cao. Mỗi năm, công ty sản xuất mây tre đan của ông cho doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức lương ổn định từ 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ông Tĩnh còn nhận đào tạo nghề cho những người yêu thích, đam mê và kiên trì với mây tre đan. Mô hình của ông đã trở thành địa chỉ cho nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh chia sẻ: Dấu ấn làm nên tên tuổi và sự nỗ lực của tôi đó là giải thưởng đầu tiên được Huy chương vàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Liên hiệp HTX Tiểu thủ công nghiệp Trung ương thời đó trao tặng. Dấu ấn này đã thôi thúc cho tôi sáng tạo ra những mẫu mã đẹp độc đáo. Từ đó tôi luôn tìm tòi, sáng tạo ra những kiểu sáng, hình đan độc lạ, khác nhau để người xem thích thú, mãn nhãn hơn. Các sản phẩm còn ẩn chứa những nét duyên dáng, hồn cốt rất riêng đã được đúc kết từ hàng trăm năm phát triển của làng nghề Phú Vinh

Hiện nay, công ty Việt Quang được ông cùng 2 người con trai của mình quản trị và không ngừng liên kết mở rộng ác kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu thông qua trang web, zalo, fanpage của doanh nghiệp. Mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận cao.

Cùng với ông Tĩnh, ở làng nghề Phú Vinh có nhiều hộ gia đình sống bằng nghề như gia đình vợ chồng ông Trần Văn Khá (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tiến (72 tuổi), từng nổi tiếng với sản phẩm lồng bàn "màn tuyn" do họ tự sáng tạo ra từ năm 2003.

Ông Trần Văn Khá cho biết:được giải cao nhất tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 như một bước đệm khích lệ tinh thần hai ông bà. Sản phẩm lồng bàn được đan bằng mây do ông Khá, bà Tiến làm chỉ nặng 290 gram đã giành giải Nhất cuộc thi này. Từ đó, đơn đặt hàng thời cũng nhiều hơn và được nhiều khách trong nước, quốc tế biết đến. Vì vậy, giá trị mỗi chiếc lồng bàn do vợ chồng ông Khá bà Tiến làm ra hiện tại có giá thành lên tới 30 triệu đồng/chiếc. Nhiều du khách trong nước và quốc tế cùng nhiều doanh nghiệp đã tìm đến tận nơi để đặt hàng. Cũng nhờ có nghề mây tre đan mà cuộc sống gia đình tôi không thiếu thốn, đủ kinh tế để nuôi 5 người con ăn học, lo nghề nghiệp cho các con.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Phòng kinh tế huyện Chương Mỹ: Trên địa bàn huyện có 35 làng nghề được công nhận,trong đó có 27 làng nghề mây tre đan xuất khẩu, 4 làng nghề sản xuất mộc, 1 làng nghề sản phẩm nón lá, 1 làng nghề điêu khắc, chế biến nông sản và làng nghề thêu, và 02 làng nghề truyền thống: làng nghề phục chế nhà cổ và mộc dân dụng Phúc Cầu xã Thụy Hương, Làng nghề truyền thống mộc Phù Yên. Số làng nghề đang hoạt động có Đề án bảo vệ môi trường là 25/29 làng nghề, chưa có làng nghề nào được đánh giá tác động môi trường.

Khẳng định vai trò chủ thể trong xây dựng NTM

Những năm gần đây, ngoài chăm lo phát triển sản xuất để có mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, nông dân huyện Chương Mỹ còn tích cực vào cuộc, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.

Hơn 10 năm qua, bà con đã liên tục đóng góp công sức, kinh phí, tài sản để xây dựng bộ mặt thôn quê ngày càng khởi sắc. Họ là nhân tố chính đưa huyện sớm hoàn thành Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) với những đổi thay tích cực. Tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 ước thực hiện là 18.370 tỷ đồng, đạt 52,9% kế hoạch năm và tăng 10,9% so cùng kỳ, trong đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể: công nghiệp chiếm 55,6%, dịch vụ 28,4%, nông nghiệp 16%; cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng ngành chăn nuôi ngày càng lớn, chiếm 69,2%, trồng trọt là 30,8%.

Đến nay, nguồn vốn đã bố trí thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, lũy kế vốn từ năm 2021 đến tháng 06/2023 là: 1.156.169 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Quảng Bị thông tin: Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thời gian qua, xã đã tập trung xây dựng hệ thống giao thông nông thôn phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn trong xã được bê tông hóa, hệ thống điện đường, rãnh thoátnước được hoàn thiện. Nhiều tuyến đường đã trải nhựa, có dải phân cách đảm bảo an toàn giao thông trước nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa ngày càng cao của người dân trong xã. Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, nông dân trên địa bàn xã đã vào cuộc tích cực, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tạo sức bật cho phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024.

Cũng như Quảng Bị, hội nông dân xã Lam Điền đã tập hợp, động viên, tổ chức cho các hội viên thực hiện từng phần việc, từng tiêu chí, đóng góp công sức và tiền của để hướng tới mục tiêu chung xây dựng nông thôn mới bền vững, hướng đến đô thị xanh, thân thiện với môi trường

Bí thư huyện ủy (Kiêm trưởng ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM) Nguyễn Văn Thắng thông tin: Nhiệm vụ chung của huyện trong những tháng cuối năm cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý từ cấp huyện đến cấp xã về xây dựng nông thôn mới; năng lực sáng tạo, tiếp cận và mở rộng thị trường cho chủ thể OCOP. Huyện mong muốn thành phố, sớm ban hành cơ chế hỗ trợ đối với các xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Nhằm động viên, khích lệ đối với các xã đăng ký phấn đấu về đích nông thôn mới. Đồng thời Thành phố quan tâm hỗ trợ, bố trí vốn để triển khai thực hiện đầu tư (tại Báo cáo số 56/BC-UBND ngày 14/02/2023 dự án về việc đề xuất kế hoạch đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất UBND thành phố năm 2023 bố trí vốn cho 16 dự án, tổng kinh phí 150.199 triệu đồng).

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã được công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập; phấn đấu có thêm từ 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục thực hiện Đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện; duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện

 
 
 
 

Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Những chủ thể làm khởi sắc nông thôn mới huyện Chương Mỹ
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE