Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 276
Tổng lượt truy cập: 2,918,555

Nâng tầm sản phẩm địa phương từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP

20/02/2024 - Lượt xem: 70

Những năm qua, thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), những sản phẩm mang tính bản địa, đặc trưng đã được nâng tầm vị thế, đem lại thu nhập cho người dân và trở thành những “đại sứ” quảng bá cho tinh hoa văn hóa của đất và người xứ Thanh.
Từ xã xưa, đồng bào các dân tộc xứ Thanh đã chắt lọc, gom những tinh hoa trong đời sống, văn hóa, tập quán của mình để chuyển tải vào những sản phẩm trong quá trình lao động sản xuất. Với nhiều sản phẩm ẩm thực, thông qua cách chế biến, đã trở thành đặc trưng, không lẫn với bất cứ nơi nào. Một ví dụ nhỏ như chiếc bánh lá răng bừa gói lá dong xanh, khi bóc ra dễ dàng thuận tiện, màu sắc mượt mà đẹp mắt, ăn ngon hơn hẳn những chiếc bánh gói bằng lá chuối, buộc dây ở một số địa phương khác.

Bánh lá răng bừa là kết tinh giá trị từ những thành quả lao động cần cù, chăm chỉ, sáng tạo ngàn đời của người dân địa phương. Sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, song chỉ được tiêu thụ ở quy mô nhỏ. Khi đạt chứng nhận OCOP, được hỗ trợ kinh phí nâng cấp bao bì, mẫu mã, quảng bá, sản phẩm đã mở rộng thị trường tiêu thụ, được người tiêu dùng trên cả nước biết đến. Dịp cuối năm, Hội Bánh lá răng bừa Xuân Lập được đặt hàng nhiều, dự kiến cung ứng cho thị trường khoảng 10 vạn bánh/ngày.
Trước đây, bánh lá răng bừa thường được làm vào lễ, tết. Ngày nay, nó được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của thực khách. Khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP, huyện Thọ Xuân đã “nâng tầm” để sản phẩm bánh răng bừa “vươn xa” hơn trên thị trường trong vai trò là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh.
Người dân xứ Thanh vốn cần cù, chịu khó và giàu tính sáng tạo nên luôn biết làm mới, cách điệu những sản phẩm bản địa trở thành hàng hóa. Sản phẩm trà quýt hoi của Công ty TNHH Puluong Cuisine (Bá Thước) đã được nhiều người mua làm quà tặng. Vốn vỏ quýt có công dụng chữa ho, giữ ấm cơ thể song hăng, khó uống. Nhưng ở sản phẩm trà quýt hoi lại mang vị thanh mát, vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của quýt tự nhiên. Hơn nữa, mẫu mã, hộp đựng được thiết kế sang trọng, đẹp mắt rất phù hợp làm quà tặng. Đây là một hình thức chuyển tải, quảng bá nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực của huyện Bá Thước đến với thị trường.
Chương trình OCOP đang được các địa phương trong tỉnh triển khai tích cực, phát triển được hệ sinh thái sản phẩm OCOP vừa mang nét truyền thống vừa sáng tạo, không bị hòa lẫn với sản phẩm của bất cứ địa phương nào. Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, nhấn mạnh: "Thanh Hóa có đa dạng sản phẩm mang tính bản địa, đặc sắc. Do đó, khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống gắn với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đặc biệt là tập trung phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân. Để khi nhắc đến xứ Thanh, người ta không chỉ nói về một vùng đất giàu bản sắc mà còn nhớ tới những sản phẩm OCOP nổi tiếng, mang đậm giá trị văn hóa, tinh thần. Điều đó càng tiếp thêm động lực để các chủ thể hồi sinh những nét độc đáo riêng có, khẳng định thương hiệu OCOP của vùng địa phương cực Bắc miền Trung./.


Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC LNV)

Tag: Nâng tầm sản phẩm địa phương từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE