Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 5575
Tổng lượt truy cập: 2,912,368

Mê Linh: Tích cực sản xuất đầu Xuân tạo sức bật cho cho cả năm

28/02/2024 - Lượt xem: 9

Khi sắc Xuân vẫn tràn ngập trên các phố phường, làng quê, không khí Tết vẫn còn hiện hữu ở nhiều gia đình, người lao động trên địa bàn huyện Mê Linh (TP. Hà Nội) đã vào guồng sản xuất. Trong các nhà xưởng, tiếng máy đã nhịp nhàng, trên đồng ruộng, bà con đã ra thăm đồng, làm đất, vun xới cây trồng. Nhịp sản xuất hòa chung với không khí rộn ràng khởi đầu một năm hứa hẹn một năm mới đầy thắng lợi.
Từ 4h sáng, không khí sản xuất tại HTX sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà (thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh) đã bắt đầu rộn ràng. Mỗi người một việc phối hợp nhịp nhàng từ công đoạn chế biến, phơi, sấy, đóng gói để kịp những chuyến hàng đầu năm mới. Các thành viên HTX cho biết mọi người bắt tay vào sản xuất ngay từ ngày mùng 4 Tết, phần thì “khai xuân lấy may”, phần thì đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ông Lê Ngọc Thanh - Giám đốc HTX, bánh đa nem là mặt hàng tin dùng của nhiều hộ gia đình dịp Tết Nguyên đán, HTX đã phải tăng cường sản xuất lên đến 5-6 tấn gạo/ngày để đáp ứng nhu cầu của các đại lý trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận. Thời điểm sau Tết, HTX vẫn giữ nhịp sản xuất ổn định để cung ứng cho các đơn hàng lớn đặt từ trước dịp nghỉ lễ. Với quan niệm “Lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, tính riêng tháng này, doanh thu của HTX tăng 7 – 10% so với những tháng trước Tết.

Để đạt năng suất và chất lượng tốt nhất, năm vừa qua, HTX đã cải tiến quy trình sản xuất: đầu tư hệ thống nồi hơi bằng điện, quạt sấy, máy sấy khô... Đồng thời, hợp tác xã cũng đã sớm lên kế hoạch, phân công sản xuất rõ ràng cho năm nay. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường cùng với sự chuẩn bị ngay từ những ngày đầu năm, HTX hy vọng năm nay sẽ vượt mục tiêu đề ra là doanh thu tăng từ 10-15% - Ông Thanh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Lưu – Phó chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh cho biết: Xã tập trung nhiều làng nghề như hương, mỳ bún, kẹo lạc, chè lam, bánh đa nem,…do vậy không khí sản xuất tất bật quanh năm. Ngay từ những ngày đầu xuân, người dân trên địa bàn xã đã tích cực bắt tay vào sản xuất, nhiều thương lái từ khắp các tỉnh ra vào tấp nập lấy hàng. Các đơn vị cũng đã lên kế hoạch sản xuất, cải tiến quy trình, mở rộng quy mô sản xuất từ rất sớm nhằm tạo đà sản xuất cho năm mới nhiều bứt phá.
Còn tại khu đồng Gióng, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, thành viên HTX Green Farm Mê Linh cũng xuống đồng từ mùng 5 Tết. Vụ lúa xuân 2023 là vụ đầu tiên, hợp tác xã thực nghiệm sản xuất cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 10ha bằng giống lúa chất lượng cao Japonica J02 của Nhật Bản. Nhận thấy hiệu quả, vụ Xuân năm nay, HTX mở rộng sản xuất lên quy mô 25ha.

Bà Trần Thùy Liên – Giám đốc HTX Green Farm Mê Linh cho biết: Quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng hệ thống tự động có điều khiển từ xa (Flycam); sử dụng máy móc vào gieo cấy và thu hoạch. Giống lúa cho sản lượng và chất lượng tốt hơn, do vậy giá lúa cũng cao hơn các giống khác.
HTX đã thay đổi từ tập quán canh tác cũ sang sản xuất lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường. Năm 2023, HTX Green Farm Mê Linh đã có 4 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng 3 sao: Cốm ngọc tươi, bánh cốm, xôi cốm, và chả cốm Green farm. Việc mở rộng quy mô sản xuất vào giống lúa mới được thành viên HTX kì vọng vụ mới được mùa - được giá để HTX tăng cường sản xuất và phát triển các sản phẩm dịch vụ.
Ông Lưu Xuân Điệp – Phó chủ tịch UBND xã Tam Đồng chia sẻ: Cây trồng chủ lực của xã là cây lúa nên vụ xuân là vụ rất quan trọng đối với bà con trên địa bàn xã. Do vậy, ngay từ những ngày đầu xuân, bà con đã tích cực xuống thăm đồng ruộng, kiểm tra nước, thăm lúa cấy. Hiện nay, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đều đã áp dụng cơ giới hóa. Xã khuyến khích bà con tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng cao vào trong sản xuất. Đặc biệt là nhân rộng các loại lúa có năng suất cao, chất lượng. Bên cạnh đó, xã cũng duy trì, phát triển nhiều ngành nghề dịch vụ như: Mây, tre, đan; đúc xoong… giúp người dân gia tăng thu nhập, yên tâm phát triển kinh tế ngay tại quê hương.
Vụ Xuân năm 2024, tổng diện tích gieo trồng của huyện Mê Linh ước thực hiện là 6.034 ha, trong đó phấn đấu trồng khoảng 1.012ha rau, đậu các loại, tập trung tại các xã: Tráng Việt (335ha), Tiền Phong (200ha), Văn Khê (90ha), Tiến Thắng (65ha), Thanh Lâm (50ha)… Dự kiến năng suất rau các loại đạt 237 tạ/ha, sản lượng ước đạt 23.750 tấn.

Trước đó, UBND huyện Mê Linh đã thực hiện nhiều chương trình “tạo bước đà” hỗ trợ người dân. Huyện đã thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu với quy mô 60ha (xã Tam Đồng 30ha, xã Liên Mạc 30ha,), trong đó hỗ trợ 50% giống lúa, 50% phân bón, thuốc BVTV và 50% công phun thuốc bảo vệ thực vật) thực hiện mô hình trình diễn hoa Lyli trồng chậu giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu quy mô 1000 m2(5000 chậu) tại xã Mê Linh, mô hình nuôi lúa- cá quy mô 03 ha tại xã Tam Đồng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, năm vừa qua được đánh giá là một năm với rất nhiều khó khăn, do vậy các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng rất lớn. Để tạo sức bật cho năm 2024, UBND huyện Mê Linh đã “lấy đà” rất sớm, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Điển hình phải kể đến Mô hình sản xuất rau, quả an toàn tại HTXDVNN Đông Cao, xã Tráng Việt với quy mô 200ha đang cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Thành phố; Mô hình sản xuất “hoa hồng thế, hoa chậu, hoa cảnh” tại xã Mê Linh cho thu nhập 70 triệu đồng/sào/năm sau khi đã trừ chi phí đạt 1,8-2 tỷ đồng/ha, cao gấp 6,2 lần so với hoa hồng cắt cành (12 triệu/ha/năm); Mô hình trang trại nuôi dê công nghệ an toàn sinh học và trồng cây thảo dược tại thôn 4 xã Thạch Đà; Mô hình trồng sản xuất các sản phẩm sen Mê Linh được chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết theo chuỗi sản xuất đến tiêu thụ tại xã Mê Linh;….

Các mô hình đã khai thác, phát triển dựa trên chính thế mạnh địa phương, đem lại thu nhập hàng tỉ đồng, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Hơn nữa, việc nhân rộng các mô hình còn mở ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Hết năm 2023, toàn huyện đã có 75 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 03 sao trở lên. Trong đó, huyện cũng đã hỗ trợ in bao bì nhãn mác, đăng ký đăng ký nhãn hiệu Cục Sở hữu trí tuệ cho 43 sản phẩm Ocop của 9 chủ thể. Hỗ trợ xây dựng 06 điểm bán hàng Ocop (hỗ trợ biển, bảng, giá kệ trưng bày sản phẩm).
Trên tinh thần đó, bà Nguyễn Thị Thanh Tám nhấn mạnh: “Huyện sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập để góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp xanh, phát triển bền vững”.
Trong năm 2024, huyện tiếp tục khuyến khích việc chuyển đổi mạnh cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi theo mục tiêu chú trọng phát triển các loại cây, con có năng suất, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao như: các giống lúa mới, các giống rau, hoa, khoai tây, cây ăn quả, thuỷ sản, phù hợp với điều kiện đất đai. Khuyến khích phát triển chăn nuôi, thủy sản xa khu dân cư, hình thành các trang trại, gia trại sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, thân thiện với môi trường.

Trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 01 làng nghề truyền thống, 05 làng nghề và 01 làng có nghề. Huyện cũng đã chỉ đạo nghiên cứu phát triển làng nghề gắn với dịch vụ thương mại và dịch vụ du lịch, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thị sản phẩm. Định hướng du lịch nhằm phát huy đa giá trị, phát triển kinh tế nông thôn.
Cụ thể đối với làng có nghề tại xã Tam Đồng, đây là vùng sản xuất lúa nếp cốm hàng hóa chất lượng cao với quy mô 100ha. UBND huyện định hướng Tam Đồng sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết doanh nghiệp, hợp tác với người dân kết hợp du lịch trải nghiệm gắn với làng nghề, ngành nghề: nghề làm nông dân một ngày, làm nghệ nhân sản xuất cốm truyền thống; khách tham quan được tận mắt ngắm nhìn đồng lúa, được lội ruộng cấy, được tự tay giã cốm, hay tự tay làm món cá nướng Chấu, tận mắt nhìn thấy đúc xoong, đan chổi...
Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phuơng được huyện Mê Linh xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Huyện Mê Linh phấn đấu năm 2024, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 2,2%; giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch thực tế trên 01 ha đất nông nghiệp đạt 262 triệu đồng/ha. Sự chuẩn bị kĩ lưỡng cùng với tinh thần chủ động, tích cực của các cấp chính quyền cùng với người dân huyện Mê Linh đã tạo “đòn bẩy” cho một năm phát triển đột phá, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra./.


Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC LNV)

Tag: Mê Linh: Tích cực sản xuất đầu Xuân tạo sức bật cho cho cả năm
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE