Gửi trọn niềm tin tới cộng đồng

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số người đang online: 2885
Tổng lượt truy cập: 2,605,738

Làng hương trăm năm tuổi Quảng Phú Cầu rực rỡ sắc xuân

15/01/2024 - Lượt xem: 10

Trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (TP. Hà Nội) vẫn chứng tỏ được sức sống bền bỉ mang đậm nét văn hóa của miền quê Bắc Bộ.
Ngay từ đầu làng, du khách có thể cảm nhận mùi hương phảng phất trong không gian. Tất bật từ 5h sáng, những người làm hương tay xoay tròn những bó tăm hương để phơi cho kịp ngày nắng, đồng thời phục vụ nhu cầu chụp ảnh của khách tới tham quan. Làng quê rộn rã, người làm nghề miệt mài, tất thảy để đưa hương sắc mùa xuân đến với mọi nhà.
Rộn ràng vào xuân
Những ngày cận tết, làng hương xã Quảng Phú Cầu nhộn nhịp như vào hội. Ngay từ đầu làng, những bó chân hương khoe sắc nhuộm kín cả miền quê. Tới nhà xưởng nào cũng thấy những người thợ thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương... Ai nấy đều hào hứng, nhất là các bà, các chị đang soạn hàng để nhập cho thương lái. Những tốp xe lớn nhỏ chở hương mang đi khắp các tỉnh.
Tại thôn Quảng Nguyên, hộ kinh doanh Nguyễn Thu Phương có diện tích sản xuất hơn 500 m² với 10 người làm đang tất bật chuẩn bị cho những đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Cơ sở có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao như: Hương vòng, nụ trám từ bi hương, hương bồ kết từ bi hương, hương quế từ bi hương…được đặt hàng số lượng lớn.
Chị Nguyễn Thu Phương - Chủ Hộ kinh doanh Nguyễn Thu Phương (Thôn Quảng Nguyên) cho biết: Mỗi độ tết đến xuân về, nhu cầu khách hàng lớn nên chúng tôi phải làm gấp 3, gấp 4 lần so với thông thường. Cùng với các sản phẩm truyền thống, cơ sở luôn cố gắng chăm chút, tìm ra các nguyên liệu để làm mới sản phẩm mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nó. Các sản phẩm hương truyền thống được làm 100% bằng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất tạo tàn vòng nên an toàn cho sức khỏe.
Hương của làng nghề Quảng Phú Cầu không lẫn vào đâu - thơm lâu, bền màu, đẹp mắt bởi người làm nghề có bí quyết riêng trong việc pha chế các nguyên liệu thảo mộc như: Quế, sả, trầm… Tăm hương nơi đây chủ yếu mang màu vàng, đỏ nên rất đẹp và nổi bật.
Với một sản phẩm truyền thống mang cả yếu tố tâm linh, người làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn tỉ mỉ, kì công từ khâu trọn nguyên liệu. Vầu, nứa làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được những người thợ tuyển chọn, sàng lọc kĩ càng.
Ông Nguyễn Đình Đảm – Trưởng thôn Cầu Bầu cho biết: Trước đây, các công đoạn làm hương, từ chẻ, tuốt, vót vầu, nứa đến se hương đều hoàn toàn được làm thủ công. Nhưng nay, nhiều hộ đã đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị để thay thế các công đoạn này. Nhờ đó mà năng suất tăng lên, chất lượng đồng đều, sản phẩm hương bóng đẹp và hiệu quả cao đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, đặc biệt là dịp lễ tết Nguyên đán Giáp Thìn đang tới gần.
Điểm du lịch, check-in hấp dẫn
Thời gian gần đây, người dân làng Quảng Phú Cầu phát triển nghề truyền thống kết hợp trải nghiệm nhằm quảng bá nghề đến du khách trong nước và quốc tế. Làng hương Quảng Phú Cầu có không gian lưu trữ nghề làm hương cổ truyền, trở thành điểm check-in thu hút hàng trăm lượt khách vào những ngày cuối tuần.
Nhằm tăng cường, quảng bá du lịch, thương hiệu làng nghề, người dân địa phương đã tỉ mỉ xếp những bó chân hương thành hình bông hoa, ngôi sao 5 cánh hay bản đồ hình chữ S Việt Nam tạo nên không gian chụp ảnh mới lạ, bắt mắt, thu hút du khách ghé thăm. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều dịch vụ khác như cho thuê áo dài, phụ kiện nón lá, quạt, thang xếp, ghế ngồi…phục vụ khách du lịch.
Ông Leonardo - Du khách đến từ Italia đứng ngắm nghía thật kĩ những đóa hương, thưởng mùi hương trầm và trầm trồ, thích thú khi tận mắt chứng kiến cách người thợ làm ra những cây hương.
“Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, tôi biết đến ngôi làng này thông qua những bức ảnh trên Instagram. Khi đến đây, tôi không chỉ được cảm nhận sản phẩm độc đáo này bằng thị giác và khứu giác mà còn được hiểu hơn về con người Việt Nam thông qua những câu chuyện tại làng hương. Những nén hương không cầu kì nhưng lại thể hiện rất rõ nét văn hóa đặc trưng của người Việt”- Leonardo chia sẻ.
Những “người thợ” vốn quen với nghề hương nay đã mang vai trò mới, trở thành những người hướng dẫn viên du lịch. Với tấm lòng mộc mạc, chân chất, sự đón tiếp nồng hậu, họ đã trò chuyện, giới thiệu với du khách về đặc điểm của làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Bản - Người hỗ trợ khách du lịch check in tại Điểm du lịch Làng nghề tăm hương thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu chia sẻ: Điểm du lịch đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Nhờ đó, người dân không chỉ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây còn là điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hương tại làng nghề rất hiệu quả, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
“Tính từ tháng 02/2023 (thời điểm khánh thành điểm check-in) đến nay, trung bình mỗi ngày đón tới 100 lượt khách du lịch ghé thăm, những ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, lượng khách có thể lên tới 200 khách/ngày. Trong đó, ước tính có tới 70% là khách quốc tế. Thời gian tới, điểm du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện và mở rộng không gian để du khách có thể được trực tiếp trải nghiệm làm nghề giống như người bản địa. Qua đó, họ có thể hiểu hơn văn hóa, giá trị, hơi thở cuộc sống của làng nghề”- Ông Nguyễn Văn Bản nhấn mạnh.
Tiếp tục phát huy giá trị làng nghề
Để giải quyết bài toán phát huy giá trị truyền thống của ông cha để lại bên cạnh phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, khai thác hiệu quả khía cạnh văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong sản phẩm của làng hương. Người làm nghề xã Quảng Phú Cầu đã không ngừng thay đổi, cải tiến để phát triển sản phẩm cả về số lượng và chất lượng.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, ông Nguyễn Hữu Nhất cho biết, hiện nay, các cơ sở sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất… Nhiều sản phẩm đặc trưng của làng nghề: Hương vòng, hương nén… đã được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, làng nghề cũng đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Ấn Độ, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, UBND xã đã hỗ trợ kết nối, xúc tiến sản phẩm làng nghề thông qua các kỳ hội chợ thương mại, triễn lãm để các chủ thể có cơ hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm và mở rộng cơ hội hợp tác.
Quảng Phú Cầu có 6 thôn đều được công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó: 5 làng nghề tăm hương và 1 làng nghề hương đen. Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người nông dân tranh thủ làm tăm hương khi nhàn rỗi. Hiện nay, nghề tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề chính, mang lại thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân tại xã Quảng Phú Cầu. Ngoài làm tăm hương, người dân còn làm tăm tre, que xiên, chổi tre… phục vụ nhu cầu thị trường. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống nâng lên.
Cùng với việc nâng cao giá trị sản phẩm mang đậm yếu tố văn hóa của người Việt Nam, Quảng Phú Cầu đang hình thành một không gian văn hóa gắn với các hoạt động du lịch nhằm quảng bá và gia tăng giá trị làng nghề.
Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, xã sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn nông dân làm du lịch. Nhân dân sẽ được cán bộ trực tiếp hướng dẫn về kỹ năng ứng xử văn minh, một số nghiệp vụ và định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại địa bàn hướng đến điểm du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, Quảng Phú Cầu không ngừng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng điểm đến bằng cách tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan du lịch xanh, hài hòa. Đồng thời, kết nối với các địa phương lân cận để tăng cường, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng tour/tuyến du lịch cộng đồng.

Sức sống mới tại làng hương Quảng Phú Cầu đã cho thấy sự trường tồn của những giá trị truyền thống. Làng hương không đơn thuần là kế sinh nhai nuôi sống bao thế hệ người dân địa phương mà còn mang ý nghĩa phát huy các yếu tố văn hóa, trở thành nét chấm phá đặc biệt nơi ngoại ô thủ đô.


Tổng hợp: Thanh Nam (Nguồn: Theo TC Làng nghề Việt)

Tag: Làng hương trăm năm tuổi Quảng Phú Cầu rực rỡ sắc xuân
Tin mới nhất

LIÊN KẾT WEBSITE